Gặp ông Võ Văn Kiên, 58 tuổi tại Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị ung bướu, Bệnh viện Quân y 175, TP HCM, người ta sẽ thấy một người đàn ông miền biển rắn rỏi, cao lớn, hào sảng. Nếu không có mái đầu trọc và làn da tái sạm đi vì thuốc, chẳng ai nghĩ ông bị ung thư phổi giai đoạn muộn đã di căn não.
Làm chủ một cơ sở nuôi tôm và kinh doanh thức ăn nuôi tôm ở Hoài Nhơn, Bình Định là công việc cả đời ông. Cứ tưởng rằng, qua dăm ba năm nữa, ông sẽ "về hưu", các con kế nghiệp, còn mình và vợ nghỉ ngơi tận hưởng tuổi già. Nhưng một năm trước, căn bệnh hiểm nghèo ập xuống bất ngờ đã thay đổi số phận.
"Đất trời sụp đổ khi khối u trong phổi được xác định là ác tính. Tôi không tin nổi", ông Kiên nhớ lại.
Người đàn ông sốc, thức trắng trọn một ngày một đêm. Nhờ bác sĩ trấn an, động viên và đưa ra ngay phương án, triển vọng điều trị, ông bình tĩnh lại, bắt đầu chiến đấu. Tuy nhiên, sau 10 lần xạ trị, khối u vẫn gan lì tiến triển. Bệnh chuyển từ 2A sang 3B. Tệ hơn, tế bào ung thư bắt đầu theo mạch máu xâm lấn lên não. "Chưa bao giờ tôi cảm thấy tuyệt vọng đến thế!".
Ông bảo mình bươn trải đã quen, không sợ chết cũng chẳng sợ bệnh tật giày vò. Chỉ có điều, làm cha, ông thương cô con gái út bé bỏng đi làm xa nhà chưa lập gia đình, thương ba đứa cháu nội non nớt, lo lắng cho mấy người con trai chưa đủ trưởng thành. Và hơn cả, ông xót người vợ tào khang hết mực yêu thương, hy sinh vì chồng con sẽ sống như thế nào nếu như ông mất đi.
Thiếu một người chỉ đường, ông tìm các bác sĩ tâm sự. Lúc đó, bác sĩ chân thành nói với ông, bệnh viện luôn dốc sức cứu chữa, nhưng sinh-lão-bệnh-tử là quy luật không thể tránh khỏi. Với tình trạng hiện tại, cách tốt nhất là tuân thủ phác đồ điều trị tây y, chăm sóc giảm nhẹ để hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bác sĩ còn tinh tế giúp ông trả lời câu hỏi "còn bao nhiêu thời gian" và hỗ trợ tư vấn tâm lý cho người nhà.
Vì thế, ông thoát khỏi vòng suy nghĩ luẩn quẩn, tự thấy mình còn may mắn khi biết trước tiên lượng sống, có thể chủ động hoàn thiện những việc dang dở. Ông quyết định giao hết công việc cho vợ chồng con trai, phân chia tài sản, định hướng tương lai cho các con. Đồng thời dành toàn bộ thời gian ít ỏi còn lại để chữa bệnh và tận hưởng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình. Hàng ngày ông dậy sớm tập thể dục, thực hiện y lệnh, giữ tinh thần lạc quan. Thời gian rảnh rỗi đôi vợ chồng già nắm tay nhau đi dạo trong khuôn viên bệnh viện hoặc trò chuyện với con cháu, người thân.
"Nếu có ra đi vào ngày mai, tôi cũng mãn nguyện", ông Kiên nói.
Với ông Phạm Mạnh Tùng, ở TP HCM, thì sự ra đi của vợ - bà Trần Thị Hạnh - vẫn luôn là "nỗi buồn vô tận". Vài ngày trước, khi vào thăm bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, ông lại nhớ bà, bật khóc nức nở. Những giọt nước mắt đua nhau chảy trên má người đàn ông gần 70 tuổi.
Ông chia sẻ, năm 2015, người vợ phát hiện bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3C. Lúc mổ sinh thiết, khối u đã vỡ, buộc phải cắt bỏ những cơ quan đã hoại tử mới giữ được tính mạng. Công tác trong ngành y, bà Hạnh hiểu rõ nguy cơ mình phải đối mặt nên dù rất đau đớn, bà luôn cười thật tươi và an ủi chồng. Nhìn vợ như vậy, ông càng không đành. Ông bày tỏ ý định đưa vợ sang Nhật Bản, Singapore tìm cơ hội mong manh, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 nhiệt tình hỗ trợ, cung cấp bệnh án để người bệnh thuận tiện tiếp cận y tế quốc tế. Mặc dù vậy, tiên lượng không thay đổi.
Khi bà về lại trung tâm, các bác sĩ hứa, bà sẽ sống được 5 năm nữa nếu điều trị tích cực đúng phác đồ. Lời hứa vừa tròn thì bà mất. Trước đó một tuần, bác sĩ mời ông vào phòng riêng trò chuyện, giải thích tình hình, khuyên đưa bà về nhà. Nhân viên y tế sẽ đến tận nhà thăm khám, tiêm thuốc giảm đau, xoa bóp và trò chuyện với bà mỗi ngày.
"Tôi rất buồn, nhưng yên lòng vì bà nhà tôi ra đi rất thanh thản, không đau đớn", ông Tùng tâm sự.
Bản thân là người giàu tình cảm và hay nghĩ ngợi, giai đoạn chăm sóc vợ cận tử, ông Tùng từng cảm thấy bất lực và tuyệt vọng cùng cực bởi không thể san sẻ cơn đau với bà. May mắn, các bác sĩ, điều dưỡng đã nói chuyện với ông, giúp ông đả thông tư tưởng, nhìn nhận mọi việc nhẹ nhàng hơn. Dần dà, ông vượt qua nỗi đau mất đi người thân, cởi mở hơn trước. Bây giờ, ông vẫn giữ liên lạc với các điều dưỡng, bác sĩ chăm sóc cho vợ ngày trước.
Theo bác sĩ Lâm Trung Hiếu, Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị ung bướu, chăm sóc giảm nhẹ là hoạt động vận dụng những điều tốt nhất hiện có nhằm ngăn ngừa và giảm nhẹ những đau khổ về thể chất, tâm lý, xã hội và tâm linh cho người mắc bệnh nặng, nghiêm trọng. Không chỉ xoay quanh đối tượng chính là người bệnh, chăm sóc giảm nhẹ còn đồng hành với gia đình, người chăm nuôi bệnh nhân và nhân viên y tế trong toàn bộ quá trình diễn tiến bệnh, kể từ lúc phát hiện đến giai đoạn cuối đời, sau khi người bệnh mất.
Hiện, trung tâm đang tiếp nhận nội trú khoảng 400 bệnh nhân ung thư. Tất cả các bệnh nhân đều được chăm sóc giảm nhẹ chủ động từ khi chẩn đoán bệnh. Tuỳ vào tính cách, nhu cầu, phản ứng của từng bệnh nhân mà nhân viên y tế sẽ có cách tiếp cận phù hợp. Những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, các bác sĩ sẽ hỗ trợ họ lập kế hoạch, phân bổ kinh phí hợp lý để không kiệt quệ về tài chính, hoặc kết nối nhờ xã hội giúp đỡ.
Đặc biệt, bệnh viện tôn trọng niềm tin tôn giáo của mỗi người bệnh. Hàng năm, bệnh viện đều mời cha xứ hoặc nhà sư vào bệnh viện để giảng đạo, đối thoại, khuyến khích người bệnh tìm điểm tựa tâm lý.
Thư Anh