Ông Trần Chí Thành (63 tuổi, ở quận Bình Tân, TP HCM) sau 2 tháng khỏi Covid-19 nhập viện cấp cứu do tức ngực, khó thở. Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM phát hiện ông bị xẹp phổi, tràn mủ màng phổi, dẫn đến suy hô hấp. Kết quả X-quang phát hiện phổi phải ông Thành có ổ áp xe, nhiễm trùng nặng do vi khuẩn phế cầu khuẩn. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật để dẫn lưu mủ từ màng phổi ra ngoài. Sau thời gian điều trị tích cực, có sử dụng các loại kháng sinh, ông Thành không còn tình trạng nhiễm trùng phổi, sức khỏe cải thiện và dần hồi phục.
Thăm khám cho trường hợp của ông Thành,TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, tổn thương phổi sau nhiễm Covid-19 là di chứng thường gặp đối với F0. Người bệnh có nhiều mức độ tổn thương khác nhau nhưng phổ biến nhất là tình trạng viêm phổi, xơ phổi, ảnh hưởng chức năng hô hấp, gây khó khăn trong điều trị, có thể tái nhiễm nhiều lần, thậm chí trở thành nhiễm trùng mạn tính.
Một nghiên cứu hệ thống và phân tích tổng hợp trên thế giới cho thấy có tới 19% bệnh nhân mắc Covid-19 bị đồng mắc với các tác nhân khác và 24% bị bội nhiễm. Nguyên nhân đồng mắc hàng đầu là vi khuẩn trong đó đồng mắc vi khuẩn phế cầu với nCoV đứng thứ 2. Đồng nhiễm viêm phổi do phế cầu và Covid-19 có thể để lại di chứng nặng nề ở hệ thần kinh, gây viêm màng não, tổn thương phổi hoặc tim do nhiễm khuẩn huyết, nhanh chóng tử vong do suy hô hấp.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, thông tin, những bệnh nhân sau khi khỏi bệnh Covid-19, có thể phải trải qua những triệu chứng hậu Covid-19 khiến cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch bị ảnh hưởng. Việc mắc bất kỳ một tác nhân gây bệnh nào khác trong giai đoạn này đều khiến sức khỏe trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là vi khuẩn phế cầu với nhiều tuýp khác nhau.
Theo bác sĩ Chính, phế cầu khuẩn ảnh hưởng lá phổi không kém Covid-19. Vi khuẩn phế cầu thường trú ở vùng mũi họng của khoảng 30% người khỏe mạnh. Một số người có nguy cơ cao bị phế cầu khuẩn xâm nhập, gây bệnh như trẻ dưới 5 tuổi. Người già từ 65 tuổi trở lên, người nghiện rượu, người hút thuốc lá, người bị các bệnh phổi mạn tính, người bị suy giảm hệ thống miễn dịch. Sau khi khỏi bệnh Covid-19, khi hệ miễn dịch suy yếu cũng là lúc phế cầu khuẩn dễ dàng xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể người.
Chia sẻ về tác động của viêm phổi do phế cầu khuẩn, ThS.BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cũng cho biết, viêm phổi do phế cầu khuẩn nguy hiểm ở trẻ nhỏ với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%. Trẻ bị viêm phổi do phế cầu khuẩn thường có những triệu chứng như sốt, ớn lạnh, ho, thở nhanh, khó thở, đau ngực, lú lẫn, kém tỉnh táo. Với trẻ chưa được tiêm vaccine Covid-19, đồng nhiễm phế cầu và Covid-19 càng khiến cho tình trạng sức khỏe của bé diễn tiến xấu đi, đáng lo nhất là viêm phổi và viêm màng não. Nếu không được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, trẻ có thể chịu nhiều di chứng nặng nề như điếc, mù, liệt, trí nhớ kém, đau đầu kéo dài...
Các chuyên gia cũng thông tin, hiện nay Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang xem xét đưa Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu (tác nhân gây bệnh tồn tại thường xuyên, tỷ lệ mắc ổn định, có thể dự báo). Sống chung với Covid-19 nghĩa là có thể đối diện với nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn với Covid-19 khiến phổi cùng lúc bị nhiều tổn thương. Vì vậy, ngoài vaccine ngừa Covid-19, tiêm vaccine ngừa phế cầu khuẩn, vaccine ngừa virus cúm là "lựa chọn kép" góp phần giúp bảo vệ phổi.
Chị Ngọc Anh (Quận 7, TP HCM) chia sẻ, sau khi tiêm đủ 3 mũi vaccine Covid-19, cả nhà chị đều tiêm bổ sung vaccine phòng viêm phổi, cúm. Theo chị Ngọc Anh, việc tiêm thêm 2 loại vaccine này giúp cả nhà nâng cao đề kháng hệ miễn dịch.
Việt Nam có 2 loại vaccine phòng bệnh phế cầu dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi, cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn. Đây là những vaccine quan trọng được hệ thống tiêm chủng nỗ lực cung ứng đầy đủ nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêm chủng cho trẻ em, người lớn.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 2 triệu trẻ em trên toàn cầu tử vong do viêm phổi, nhiều hơn số người chết do bệnh AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Hiện nay thế giới đã có hơn 53 quốc gia áp dụng vaccine phế cầu ngừa viêm phổi trong chương trình tiêm chủng quốc gia.
Ngoài phế cầu khuẩn và nCoV, viêm phổi còn do một số nguyên nhân khác gây ra như virus cúm, virus sởi, virus gây bệnh thủy đậu, ho gà, vi khuẩn Hib... Đây là những tác nhân nguy hiểm có thể phòng ngừa được bằng các loại vaccine cúm, vaccine ho gà, bạch hầu, uốn ván, Hib, thủy đậu. Những virus, vi khuẩn này cũng có khả năng đồng nhiễm với Covid-19, khiến bệnh nhân phải đối mặt với tình trạng nguy kịch bên trong phòng hồi sức tích cực (ICU).
Lê Nguyễn
Những mối quan tâm của người dân về viêm phổi do phế cầu, vaccine phòng ngừa sẽ được giải đáp bởi các chuyên gia về y học dự phòng, bệnh truyền nhiễm, nhi khoa trong chương trình tư vấn trực tuyến: "Viêm phổi do phế cầu khuẩn và vaccine phòng ngừa": BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TP HCM; ThS.BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Chương trình được phát trên báo VnExpress vào 20 giờ thứ sáu ngày 1/4. Bạn đọc có thể gửi thắc mắc tại đây để các chuyên gia giải đáp.