Bệnh mạch vành là tình trạng các mạch máu chính cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn do lắng đọng mảng xơ vữa, khiến lưu lượng máu đến tim giảm.
Ngày 10/6, ThS.BS Nguyễn Tuấn Long, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh mạch vành là bệnh tim mạch phổ biến nhất ở người lớn, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh có hai thể là hội chứng động mạch vành cấp và hội chứng động mạch vành mạn.
Hội chứng động mạch vành cấp bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim cấp có hoặc không có thay đổi điện tâm đồ. Tình trạng này xảy ra do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cấp tính do mảng xơ vữa bị nứt vỡ hoặc huyết khối. Ngược lại, hội chứng mạch vành mạn do tình trạng hẹp lòng mạch theo sự phát triển của mảng xơ vữa, thường xảy ra âm thầm và tiến triển trong nhiều thập kỷ. Triệu chứng tăng theo mức độ hẹp mạch vành nặng dần theo thời gian.
Dấu hiệu điển hình và thường gặp của bệnh mạch vành là cơn đau thắt ngực, khó thở kéo dài dưới 15 phút xảy ra khi gắng sức hoặc căng thẳng. Ngoài ra còn có thể có các dấu hiệu khác như vã mồ hôi, chóng mặt, hồi hộp, tim đập không đều...
"Bệnh mạch vành nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột tử", bác sĩ Long nói.
Thống kê của Tổ chức Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) năm 2020 cho thấy khoảng 19,1 triệu ca tử vong do bệnh tim mạch trên thế giới, tỷ lệ tử vong khoảng 240/100.000 người. 244 triệu người mắc bệnh thiếu máu cơ tim, khoảng 3,5 triệu người chết vì đột quỵ do bệnh mạch vành.
Ghi nhận tại Trung tâm Tim mạch Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 5 năm trước đây, tỷ lệ người mắc bệnh mạch vành ở tuổi 50 khoảng 1/100, hiện tăng lên 5/100 bệnh nhân.
Gần đây, bệnh viện Tâm Anh tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh khoảng 30-40 tuổi, được can thiệp, đặt stent. Năm 2023, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ do bệnh mạch vành tại bệnh viện là 10,8%. Hầu hết người bệnh đến khám khi có triệu chứng không rõ ràng như đau ngực, mệt ngực. Bệnh thường được phát hiện khi bác sĩ chụp mạch vành ghi nhận một nhánh động mạch vành tắc hoàn toàn.
Như anh Quốc, 34 tuổi, ngụ Bắc Ninh, hút thuốc 16 năm. Gần đây, anh đau tức phần ngực trái khi vận động gắng sức. Bác sĩ chẩn đoán anh bị tắc nghẽn động mạch vành, tổn thương nhiều nhánh phức tạp. Ê kíp đặt stent tái thông mạch vành cho người bệnh.
Bác sĩ Long cho biết nguy cơ mắc bệnh mạch vành ở người tiếp xúc với môi trường khói thuốc hoặc hút thuốc thụ động tăng 20-30%. Nguy cơ mắc bệnh mạch vành ở người hút thuốc lá chủ động cao gấp 2-4 lần và tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành tăng khoảng 70%. Nicotine trong khói thuốc và mỡ máu cao làm phá hủy mạch máu, hình thành mảng xơ vữa động mạch.
Trường hợp khác là anh Bình, 39 tuổi, Hà Nội, đang làm việc thì đau thắt ngực dữ dội. Cơn đau lan lên cổ và hai vai, kéo dài gần một giờ kèm chóng mặt, buồn nôn. Kết quả đo điện tâm đồ xác định người bệnh nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (hội chứng mạch vành cấp tính nghiêm trọng nhất), cần can thiệp ngay lập tức.
Người bệnh bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải. Trong 45 phút kể từ lúc anh Bình nhập viện, bác sĩ đặt xong stent khơi thông dòng máu qua mạch vành phải. Bệnh nhân hết đau ngực ngay sau thủ thuật, xuất viện sau hai ngày.
Theo bác sĩ Long, bệnh mạch vành hiện có xu hướng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân. Cụ thể như chế độ ăn không lành mạnh, thừa cân béo phì, sử dụng chất kích thích như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia. Người trẻ thường xuyên căng thẳng khiến hormone như cortisol và adrenaline tăng cao kéo dài, gây hại hệ tim mạch. Căng thẳng cũng làm cơ thể dễ hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu.
Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu... sẽ thúc đẩy nhanh mảng xơ vữa trong lòng mạch hình thành. Bệnh động mạch vành biến chứng đột quỵ tim gây ra vấn đề sức khỏe lâu dài. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân tránh biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Long khuyến cáo nam giới từ 40 tuổi và nữ giới từ 45 tuổi trở lên nên tầm soát bệnh. Người hút thuốc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường hoặc tiền sử gia đình có bệnh mạch vành sớm (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi)... cần tầm soát sớm.
Các bước tiến hành tầm soát gồm khám lâm sàng, cung cấp thông tin bệnh sử, thói quen ăn uống. Sau đó bệnh nhân được xét nghiệm máu, siêu âm tim mạch, đo điện tâm đồ. Người hút thuốc nên bỏ hút thuốc, hạn chế rượu bia, ăn uống cân bằng dinh dưỡng, thường xuyên tập luyện thể thao và duy trì cân nặng hợp lý.
Ly Nguyễn
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |