Trả lời:
Người bệnh lao phổi được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Hiện, bệnh điều trị bằng thuốc kháng lao theo phác đồ tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Chống Lao Quốc gia. Tỷ lệ điều trị thành công đối với bệnh lao phổi nhạy cảm với thuốc (không kháng thuốc) khoảng 95% nếu tuân thủ đúng phác đồ. Đối với lao kháng thuốc, quá trình điều trị phức tạp hơn, kéo dài từ 9 tháng đến 24 tháng và có tỷ lệ thành công thấp hơn, khoảng 60-80%.
Lao là bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, chủ yếu tấn công phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cơ quan khác trong cơ thể. Người bệnh được điều trị lao phổi cần kiên trì và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ thuốc. Người bệnh cần uống thuốc lao liên tục từ 6 đến 9 tháng, thậm chí lâu hơn 12 tháng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bác sĩ Ngân tư vấn cho người bệnh về các dấu hiệu bệnh phổi. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Thông thường, sau vài tuần dùng thuốc điều trị, lao phổi có thể giảm đáng kể. Bạn không tự ý ngưng thuốc khi cảm thấy khỏe hơn vì vi khuẩn lao có thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể và tái phát, gây kháng thuốc, khiến bệnh tiến triển nhanh, kéo dài thời gian điều trị.
Yếu tố quyết định khả năng chữa khỏi hoàn toàn bệnh lao phổi gồm tuân thủ điều trị, chế độ dinh dưỡng hợp lý, khả năng đáp ứng của cơ thể đối với thuốc. Người có hệ miễn dịch yếu như người nhiễm HIV, bệnh nhân đái tháo đường, người cao tuổi có nguy cơ tái phát cao hơn. Bạn cần uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là protein và vitamin để tăng cường sức đề kháng. Hạn chế rượu bia, thuốc lá vì có thể làm suy giảm khả năng phục hồi của phổi.
Bạn nên đeo khẩu trang hàng ngày phòng ngừa lây nhiễm cho người xung quanh; hạn chế tiếp xúc những người có hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ em, người mắc bệnh nền. Thường xuyên khử khuẩn đồ dùng cá nhân, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn, bỏ bệnh phẩm (đờm khạc nhổ, khăn giấy đã qua sử dụng...) đúng nơi quy định.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngân
Khoa Hô hấp
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |