Bệnh gout và viêm mô tế bào đều có thể gây viêm, nóng, đỏ da, nhưng khác nhau về các triệu chứng cụ thể, nguyên nhân, cách điều trị.
Triệu chứng
Viêm mô tế bào thường gây ra các vùng da đỏ (có thể kèm màu tím hoặc xám), sưng, ấm, đau, rỗ như vỏ cam. Người bệnh cũng có thể bị sốt và ớn lạnh. Các triệu chứng chủ yếu xảy ra ở một bên cơ thể.
Các cơn bùng phát gout có xu hướng xảy ra đột ngột, gây đau dữ dội ở một khớp, thường gặp nhất là ở một trong hai ngón chân cái. Khớp nóng, sưng, đỏ. Các khớp khác thường bị ảnh hưởng là các ngón chân còn lại, mắt cá chân, đầu gối.
Cơn gout cấp có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần, sau đó là giai đoạn thuyên giảm kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc nhiều năm. Song nếu không được điều trị, bệnh gout có thể dẫn đến sự tích tụ của các tinh thể hình kim gọi là hạt tophi, gây đau tiến triển và biến dạng khớp.
Nguyên nhân
Viêm mô tế bào thường xảy ra sau khi vi khuẩn xâm nhập vào da thông qua vết xước, vết loét, vết cắn, hình xăm, vị trí xỏ khuyên, vết thương phẫu thuật. Nguy cơ này xảy ra ở người mắc bệnh mạn tính về da như bệnh chàm hoặc nấm da chân, thủy đậu, zona, sử dụng thuốc tiêm, thừa cân, mắc tình trạng gây sưng mạn tính ở các chi như phù bạch huyết.
Trong khi đó, bệnh gout phát triển do tăng axit uric trong máu. Cơ thể sản xuất ra chất này khi phân hủy các hợp chất hóa học gọi là purin có trong một số loại thực phẩm. Tăng axit uric máu gây tích tụ các tinh thể axit uric trong khớp, dẫn đến viêm, sưng đau khớp.
Người mắc gout thường có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Các yếu tố nguy cơ khác là nam giới, thường xuyên uống rượu, đồ uống có đường, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc nhiều thực phẩm giàu purin, tuổi tác cao.
Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ thường chẩn đoán viêm mô tế bào bằng cách quan sát da mà không cần xét nghiệm bổ sung. Trường hợp nhẹ được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống. Các triệu chứng thường kéo dài trong 48 giờ đầu, sau đó giảm dần. Trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hơn có thể cần dùng thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch.
Bệnh gout chỉ có thể chẩn đoán trong thời gian bùng phát thông qua xét nghiệm nồng độ axit uric máu, lấy mẫu dịch khớp để tìm tinh thể axit uric, chụp X-quang... Điều trị bệnh gout thường là dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Người bệnh khám khi phát triển các triệu chứng của gout hoặc khi các phương pháp điều trị gout thông thường không hiệu quả.
Phòng ngừa
Ngăn ngừa các đợt bùng gout bằng cách tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng khỏe mạnh, uống nhiều nước, giảm lượng calo nạp vào, tránh đồ uống có đường và rượu.
Người bị vết thương nên khử trùng, đeo găng tay khi cần, giữ da sạch, tránh bể bơi hay ao hồ khi có vết thương hở. Đi khám nếu có các triệu chứng tiềm ẩn của bệnh viêm mô tế bào như cảm giác da sưng, nóng, đau. Khi triệu chứng không cải thiện sau 2-3 ngày dùng thuốc kháng sinh, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |