Trả lời:
Bướu giáp nhân (nhân tuyến giáp) là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp, từ đó hình thành một hoặc nhiều nốt nhân. Tuyến giáp gồm hai thùy trái phải liên kết với nhau qua eo giáp, có vai trò sản xuất hormone. Hormone tuyến giáp hỗ trợ kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể và các chức năng khác như tiêu hóa, tim mạch...
Anh trai bạn mắc bướu nhân giáp, bạn có nguy cơ di truyền bệnh cao. Nữ giới bị bướu giáp nhân nhiều hơn nam, nhưng tỷ lệ nhân ác tính phổ biến ở nam hơn nữ. Người ở địa phương có chế độ ăn uống thiếu iốt dễ bị loại bướu giáp này.
Khả năng mắc bướu giáp nhân tỷ lệ thuận với độ tuổi. Trong đó, phụ nữ trên 55 tuổi thường mắc bệnh này hơn, hiếm gặp ở trẻ em. Người có tiền sử tiếp xúc hoặc phơi nhiễm phóng xạ như chụp X-quang, CT, phóng xạ... có khả năng bướu giáp nhân cao hơn bình thường.
Hầu hết người bệnh đều có bướu cổ với nốt sần trong nhiều năm. Một số triệu chứng phổ biến khác gồm cổ to, nuốt vướng hoặc cộm vùng cổ, mệt mỏi, khả năng chịu nhiệt kém, thèm ăn, tăng tiết mồ hôi, kinh nguyệt không đều, chuột rút, lo lắng, bồn chồn, sút cân. Người cao tuổi mắc bệnh này thường bị suy nhược, tim đập nhanh, đau ngực, trí nhớ kém, tâm trạng thay đổi.
Nhân giáp có thể là một nhân hay nhiều nhân với đa dạng kích thước từ nhỏ đến lớn, xuất hiện dưới dạng nhân đặc hoặc nhân nang, lành tính hoặc ác tính. Bác sĩ khám lâm sàng có thể sờ thấy bướu giáp nhân, số còn lại được phát hiện qua siêu âm tuyến giáp. Tỷ lệ bệnh nhân bướu giáp nhân chuyển sang ung thư chiếm 5-15%.
Bạn và người thân nên khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện có khoa Nội tiết - Đái tháo đường để có phương án điều trị phù hợp nếu mắc bệnh.
Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về các bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để được bác sĩ giải đáp. |