Trả lời:
Bệnh bụi phổi là tình trạng tích tụ bụi bẩn trong nhiều năm trong phổi và tiến triển thành bệnh. Khi phổi của người bệnh không thể loại bỏ tất cả các hạt bụi này sẽ dẫn đến tình trạng viêm phổi, có thể gây ra các mô sẹo. Bệnh cũng gây tổn thương các mạch máu và túi khí trong phổi, khiến các mô bao quanh túi khí và đường dẫn khí trở nên dày, cứng hơn.
Một số biểu hiện của bệnh như: ho khan hoặc ho đờm đen, ho máu, đau tức ngực, giai đoạn muộn chức năng hô hấp suy giảm gây khó thở. Nhu mô phổi vốn bị tổn thương nên dễ bị nhiễm trùng làm chức năng hô hấp càng tệ hơn.
Tình trạng của bạn hiện tại đã có triệu chứng khó thở, khò khè nghĩa là chức năng hô hấp đã suy giảm nhiều. Nếu bạn hút thuốc thì có thể bạn mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kèm theo làm cho tình trạng khó thở nặng hơn.
Bụi phổi là bệnh mạn tính, hiện không có biện pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bạn nên tuân theo một số phương pháp sau để kiểm soát các triệu chứng bệnh, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tiến triển nặng như sau:
- Tránh tiếp xúc hoàn toàn với bụi than, bụi đá, khói thuốc lá thuốc lào hay môi trường ô nhiễm bụi khói.
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tập một số bài tập vận động, bài tập hô hấp như: tập thở chúm môi, thở cơ hoành...
- Phòng ngừa các đợt nhiễm khuẩn hô hấp bằng cách: giữ ấm cơ thể vào mùa đông, tránh tiếp xúc với không khí lạnh ẩm, tiêm phòng vaccine cúm hàng năm và vaccine phế cầu.
Bạn nên đi đến các cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được thăm khám, chụp cắt lớp vi tính ngực, đánh giá chức năng hô hấp, làm khí máu xem có cần phải thở oxy dài hạn không. Nếu chức năng hô hấp có rối loạn thông khí tắc nghẽn thì bác sĩ sẽ xem xét điều trị các thuốc giãn phế quản. Trường hợp có nhiễm trùng ở phổi, bệnh nhân cần điều trị bằng kháng sinh hoặc các thuốc đặc hiệu khác.
TTƯT.PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh
Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội