Trả lời:
Basedow (bệnh Graves) dạng bệnh tự miễn của tuyến giáp xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh vì chúng nhầm tưởng đây là các tế bào ngoại lai. Hệ thống miễn dịch tấn công các thụ thể TSH (hormone kích thích tuyến giáp) dẫn đến tuyến yên có nhu cầu tăng sản xuất hormone từ tuyến giáp. Điều này dẫn đến cường giáp cùng nhiều tình trạng nguy hiểm.
Người mắc này có các biểu hiện đặc trưng như bướu giáp lan tỏa, lồi mắt, phù niêm trước xương chày. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất từ 20-40 tuổi. Nữ giới bị Basedow nhiều hơn 5-10 lần nam giới. Basedow gây ra các triệu chứng giống cường giáp gồm tiêu chảy, bướu cổ sưng to, lo lắng, bồn chồn, mệt mỏi, yếu cơ, run tay, khó ngủ, sụt cân, kinh nguyệt không đều.
Người bệnh vô tình phát hiện bệnh khi khám sức khỏe tổng thể hoặc khám các bệnh khác. Bác sĩ có thể phát hiện bệnh khi khám các tình trạng như nhịp tim nhanh, da khô, vùng cổ sưng to hơn bình thường... Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ kiểm tra mức TSH (hormone kích thích tuyến giáp), hormone tuyến giáp, kháng thể tuyến giáp, từ đó đưa ra chẩn đoán.
Đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng của căn bệnh này. Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy, bệnh có các yếu tố di truyền kết hợp với tác nhân khác như virus,vi khuẩn, thay đổi nội tiết tố, một số loại thuốc, thừa iốt... Các yếu tố căng thẳng, tác dụng phụ của thuốc hoặc dùng thuốc không đúng cách, thiếu iốt cũng góp phần gây bệnh.
Nếu không kiểm soát bệnh tốt, người bệnh dễ gặp biến chứng mắt như bọng mắt, viêm mắt, khô mắt, đỏ mắt, sụp mí mắt, cảm giác có sạn trong mắt, giảm thị lực... và biến chứng da như một loại nấm gây tổn thương da, còn gọi là phù myxedema. Nấm tấn công ở ống chân, bàn chân khiến vùng da bị dày, đỏ và sần. Người bệnh không được điều trị đúng các còn có nguy cơ cao đột quỵ, suy tim, loãng xương, bão giáp (tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone gây đe dọa tính mạng).
Người bị Basedow còn có nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, suy tuyến thượng thận, bệnh đường ruột do không dung nạp gluten, đái tháo đường type 1, bạch biến. Căn bệnh này hoàn toàn chữa khỏi bằng các phương pháp thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ, phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Tuy nhiên, nhiều người được chữa khỏi Basedow nhưng không đủ hormone tuyến giáp. Do vậy, bác sĩ có thể cho bổ sung hormone tuyến giáp sau khi dùng các phương pháp trên.
Phương pháp thuốc kháng giáp không làm tuyến giáp tổn thương vĩnh viễn. Khoảng 5% người bệnh bị phản ứng dị ứng khi dùng thuốc kháng giáp gồm phát ban đỏ, nổi mề đay, có thể sốt và đau khớp. Một số ít người bị giảm số lượng bạch cầu gây giảm khả năng miễn dịch.
Với phương pháp phẫu thuật, tuyến giáp bị cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dẫn đến hoạt động kém hoặc không còn hoạt động. Điều này khiến người bệnh dễ bị suy giáp, cần được điều trị tiếp tục bằng dùng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp. Phẫu thuật bướu cổ là kỹ thuật khó, cần trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm.
Với phương pháp iốt phóng xạ, người bệnh uống dung dịch có chứa iốt phóng xạ. Tuyến giáp hấp thụ iốt gắn phóng xạ nên bị phá hủy, giảm sản xuất hormone. Sau điều trị, người bệnh thường bị suy giáp với các biểu hiện như mệt mỏi, tăng cân, mặt sưng, không chịu được lạnh, đau khớp, giảm tiết mồ hôi, kinh nguyệt không đều, nhịp tim chậm... Do đó, người bệnh có thể cần dùng thuốc hormone tuyến giáp để bổ sung tuyến giáp.
BS.CKI Đặng Thị Oanh
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM