Ngày 7/8, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, cho biết bé bỏ bú, quấy khóc, không sốt, không ói, đi tiêu lẫn máu, chẩn đoán lồng ruột cấp. Một đoạn ruột non của bé chui vào lòng của đoạn ruột già bên cạnh, có tình trạng xuất huyết niêm mạc.
Bé được đưa đến viện trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát cơn đau nên bác sĩ có thể dùng máy tháo lồng bằng hơi. Bác sĩ bơm hơi vào đại tràng làm tăng áp lực vừa đủ để tháo khối lồng. Sau 30 phút can thiệp, bé hồi phục, hết tiêu máu vào ngày hôm sau.
Nếu bệnh nhi đến viện muộn hơn có nguy cơ hoại tử và thủng ruột, nhiễm trùng... phải phẫu thuật, cắt bỏ đoạn ruột hoại tử.
Lồng ruột thường gặp ở trẻ dưới hai tuổi, hầu hết các trường hợp thường không rõ nguyên nhân. Trẻ lớn ít bị lồng ruột hơn và thường có nguyên nhân như túi thừa Meckel (một bất thường bẩm sinh ở đường tiêu hóa), nang ruột đôi, polyp lòng ruột, u thành ruột...
Bác sĩ Trọng cho biết bệnh nhi này bẩm sinh có đường ruột yếu, nhu động ruột co bóp nhiều, gây lồng ruột.
Bác sĩ Đỗ Trọng cho biết khi trẻ bị lồng ruột, thức ăn tắc nghẽn, ứ trệ ở phía trên khối lồng. Tình trạng này gây tắc mạch máu nuôi ruột, gây viêm nhiễm, phù nề, xuất huyết và dẫn đến hoại tử, tăng nguy cơ tử vong nếu can thiệp muộn. Nguy cơ hoại tử ruột khoảng 2,5% trong khoảng 48 giờ, tăng lên 80% sau 72 giờ.
Trước đây, phương pháp điều trị phổ biến nhất là bơm cản quang vào lòng trực tràng nếu phát hiện sớm, sau đó chụp X-quang để xem lồng đã bung ra chưa. Tuy nhiên, sức khỏe trẻ có thể bị ảnh hưởng từ tia X. Nếu khối lồng thủng thì chất cản quang tràn vào khoang bụng gây viêm phúc mạc hóa học.
Theo bác sĩ Đỗ Trọng, máy tháo lồng bằng hơi khắc phục các nhược điểm trên, tỷ lệ thành công 98%.
Phương pháp điều trị khác là phẫu thuật tháo khối ruột lồng, cắt nối ruột hoặc làm hậu môn tạm. Sau đó, trẻ được điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh.
Trường hợp bệnh nhi đến bệnh viện muộn hơn 24 giờ, cần phẫu thuật ngay để loại bỏ phần ruột hoại tử. Sau mổ, trẻ vẫn có nguy cơ tử vong cao do suy kiệt hoặc gặp biến chứng như nhiễm trùng, viêm ruột, viêm phổi nặng.
Lồng ruột là bệnh lý phổ biến ở trẻ đang bú mẹ (5-12 tháng) với nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi bé có dấu hiệu bất thường như khó chịu, nôn ói, thường xuyên co chân lên bụng, chướng bụng..., bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện.
Sau tháo lồng ruột, bé vẫn có khả năng tái phát cần theo dõi, khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi