Xét nghiệm máu cho thấy bé nhiễm trùng nặng, siêu âm nghi ngờ viêm phúc mạc ruột thừa. Bác sĩ nội soi ghi nhận bụng bệnh nhi chứa dịch đục, ruột non chướng, ruột thừa ở hố chậu phải viêm và hoại tử, quai ruột non đến bao dính lại thành bánh.
Ngày 21/5, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé bị nhiễm trùng trong ổ bụng rất nặng, nguy cơ chảy máu, tổn thương đường tiêu hóa.
Bình thường người bị viêm ruột thừa có thể được phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa trong ổ bụng. Bé Minh bị vỡ ruột thừa, ê kíp kết hợp mổ nội soi và mổ mở, đưa ruột ra ngoài qua vết thương ở rốn và cắt ruột thừa ngoài ổ bụng. Ổ bụng bệnh nhi nhiều dịch mủ, quai ruột dính, ca phẫu thuật khó khăn, kéo dài gần 120 phút.
Sau mổ, bệnh nhi ổn định, không gặp các biến chứng nguy hiểm do vỡ ruột thừa như nhiễm trùng vết thương, áp xe trong ổ bụng, tắc ruột. Bé xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Theo bác sĩ Trọng, viêm ruột thừa ở trẻ nhũ nhi (dưới một tuổi) như bé Minh ít gặp. Viêm ruột thừa nguy hiểm do ít triệu chứng, dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh phổ biến như tắc ruột, viêm ruột hoại tử, viêm phổi... Nhóm bệnh nhi dưới 3 tuổi, khoảng 35-81% đau bụng do viêm ruột thừa, do tiêu chảy khoảng 30-40%. Các tình trạng này dễ chẩn đoán nhầm thành viêm dạ dày ruột.
Trường hợp viêm ruột thừa ở trẻ nhũ nhi rất nghiêm trọng và thường xảy ra biến chứng. Thành ruột thừa của trẻ còn khá mỏng, làm tăng khả năng thủng do chưa phát triển hệ miễn dịch đầy đủ.
Trong 4 tháng đầu năm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phẫu thuật cấp cứu cho 6 trường hợp bệnh nhi vỡ ruột thừa, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân bệnh nhi nhập viện muộn do triệu chứng bệnh không điển hình, chẩn đoán nhầm, một số bé đi du lịch hoặc nghỉ lễ, Tết nên đến viện khám trễ.
Viêm ruột thừa là cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất ở trẻ em. Nguyên nhân do tắc nghẽn lòng ruột thừa do tăng sản bạch huyết, sỏi, dị vật (quả, hạt) hoặc giun. Tắc nghẽn lòng ruột gây chướng bụng, vi khuẩn phát triển, viêm... Triệu chứng thường gặp gồm đau bụng quanh rốn hoặc hố chậu phải, sốt, nôn, đại tiện lỏng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác.
Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm dẫn đến tình trạng vỡ mủ vào trong ổ bụng, làm viêm nhiễm khắp ổ bụng (viêm phúc mạc ruột thừa), nhiễm khuẩn nặng. Bệnh nhi có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Trọng khuyến cáo trẻ nhỏ có triệu chứng viêm ruột thừa rất mơ hồ. Khi con có dấu hiệu bất thường như đau bụng, sốt, quấy khóc, ăn kém, nôn ói, rối loạn tiêu hóa, phụ huynh cần cho trẻ đi khám sớm.
Tuệ Diễm
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |