Mẹ bé 32 tuổi, mang thai 31 tuần thì được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phát hiện thai nhi có bướu vùng cổ. Khi ấy, siêu âm bào thai và chụp MRI ghi nhận bướu kích thước 6x6 cm, có nguy cơ chèn vùng trung thất (lồng ngực). 6 tuần sau, bác sĩ khoa Sản - Sơ Sinh - Ngoại Nhi hội chẩn đánh giá u lớn, khả năng trẻ suy hô hấp sau sinh, chỉ định sinh mổ.
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết bé chào đời cuối năm 2023, nặng 3,4 kg, kích thước bướu 10x20 cm (nặng 1 kg) tương đương đầu trẻ sơ sinh, kéo vẹo cổ qua một bên.
Nhiều trẻ sinh ra có khối u khổng lồ vùng cổ ngực, gây suy hô hấp nặng. "Tuy nhiên, bướu lớn kèm tắc ruột như em bé này rất hiếm thấy, đây là trường hợp đầu tiên tôi gặp trong nhiều năm làm nghề", BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, nói.
Sau sinh, bé chướng bụng, ọc dịch xanh không ăn sữa tiêu, không đi tiêu do tắc ruột. Bác sĩ phải mổ cấp cứu giải quyết lưu thông đường tiêu hóa cho bé.
Dị tật tắc ruột bẩm sinh do các nút phân su bít kín lòng ruột, dịch tiết ở đường tiêu hóa nhầy và dính vào niêm mạc ruột khiến phân ứ đọng trong lòng đại tràng, không đi ngoài được. Tắc ruột do phân su chiếm khoảng 33% trường hợp tắc ruột non ở trẻ sơ sinh.
Bé được mở hậu môn tạm trên bụng, bơm rửa đoạn ruột chứa phân su bên dưới. Sau 2-3 tháng chờ ruột dưới đủ thời gian giãn nở và kết quả sinh thiết đoạn ruột phía dưới của hậu môn tạm bình thường, bác sĩ khâu nối ruột, đóng hậu môn tạm. Lúc đó, bé có thể đi vệ sinh.
Bác sĩ Trọng đánh giá khối u nguy hiểm nhưng không chèn ép đường thở. Bé mới 4 ngày tuổi, không thể thực hiện nhiều phẫu thuật nên theo dõi thêm.
Sau ca mổ chữa tắc ruột, bé được nuôi ăn tĩnh mạch đầy đủ dinh dưỡng, hồi phục nhanh. Tuy nhiên, khối u bạch huyết lại diễn tiến không thuận lợi, có dấu hiệu nhiễm trùng. U xâm lấn các khối cơ vùng ngực, cổ bên trái, bao quanh bó mạch và thần kinh. Lúc này nếu không phẫu thuật, u quá to, bé sẽ vẹo đầu cổ, lệch vai, chèn ép đường thở gây suy hô hấp, hoại tử da.
Ca này khó bóc tách u vì nguy cơ tổn thương mạch máu, thần kinh, để lại nhiều di chứng cho bé như liệt cánh tay, ảnh hưởng chức năng vận động vùng cổ", bác sĩ Trọng nói, thêm rằng cần có ê kíp gây mê giỏi và hồi sức túc trực trong phòng phẫu thuật. Quá trình tạo hình che phủ, xử lý vạt da cũng cần thẩm mỹ, tránh sẹo, bé lớn lên bớt mặc cảm, tự ti.
Giữa tháng 1, ê kíp bóc khối u, các nguy cơ tổn thương mạch máu và thần kinh được kiểm soát. Sau mổ, bé ăn ngủ tốt, dễ dàng nghiêng, xoay đầu và tự lật khi tròn ba tháng tuổi.
Cuối tháng 4, bác sĩ thực hiện ca mổ thứ ba gồm nối ruột, đóng hậu môn tạm trên bụng cho bé. Bé có thể đi vệ sinh như người bình thường.
U bạch huyết thường hình thành từ giai đoạn bào thai hoặc trẻ sinh dưới 5 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được xác định rõ. Có một số nghiên cứu cho rằng u bạch huyết được hình thành trong thai nhi do hệ bạch huyết phát triển không đúng cách, có liên quan đột biến gene. Hiện không có biện pháp ngăn ngừa bệnh.
Bộ Y tế ghi nhận khoảng một triệu trẻ em ra đời mỗi năm, trong đó 22.000-30.000 bé bị dị tật bẩm sinh. Tính đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật tuổi 0-17, tỷ lệ 3,1%. Theo bác sĩ Trọng, u bạch huyết, tắc ruột bẩm sinh là hai dị tật có thể sửa chữa, can thiệp sau sinh. Can thiệp sớm, nhiều trẻ phục hồi tốt, sinh hoạt bình thường.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |