Hiện, bé Minh nặng 3,7 kg, tự thở, tự bú, được xuất viện. Hơn ba tháng trước bé chào đời nặng 1 kg, suy hô hấp nặng phải nằm lồng ấp trợ thở, nuôi ăn đường tĩnh mạch. Bé có những cơn ngừng thở nặng khiến cơ thể thường xuyên tím tái.
Sau 54 ngày nằm lồng ấp ở bệnh viện khác, bé được chuyển đến khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bằng xe chuyên dụng cho trẻ sinh non với lồng ấp đặc biệt. Tại đây, bé được mẹ ấp bằng phương pháp Kangaroo Mother Care (KMC).
Ngày 24/12, ThS.BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết phương pháp Kangaroo Mother Care cho trẻ sinh non dựa trên nguyên lý người mẹ là "chiếc lồng ấp" cho bé sinh non, còn gọi là phương pháp da kề da.
Trẻ sinh non, tức chào đời sớm khi chưa đủ ngày đủ tháng trong bụng mẹ. Khi ấy, các bộ phận cơ thể chưa kịp phát triển hoàn thiện nên bé sinh ra sức khỏe rất yếu và nhiều bệnh tật, rất nhẹ cân có thể nặng chưa tới 500 g. Do đó, bé chào đời cần được chăm sóc đặc biệt, phải nằm lồng ấp với nhiệt độ tương đương nhiệt độ trong tử cung của mẹ, tiếp tục được nuôi dưỡng qua truyền tĩnh mạch giống được cơ thể mẹ cung cấp dinh dưỡng qua dây rốn. Khi trẻ đạt độ cứng cáp nhất định sẽ được đưa về cho mẹ chăm sóc da kề da bằng cách ấp trên ngực (như chuột túi ấp con nên gọi là phương pháp kangaroo), tận dụng hơi ấm từ mẹ truyền sang con, giúp bé khỏe hơn. Lúc này, cơ thể mẹ kangaroo được ví như "chiếc lồng ấp" tự nhiên cho bé.
"Chăm sóc da kề da giúp giảm tỷ lệ tử vong, nhiễm trùng bệnh viện và hạ thân nhiệt, nhờ đó trẻ tăng trưởng tốt hơn", bác sĩ Vân nói, thêm rằng không phải đơn vị nào cũng có thể thực hiện KMC sớm vì hạn chế về nhân lực, điều kiện vật chất. Trong khi đó, trẻ sinh non nên được áp dụng phương pháp này sớm, lý tưởng nhất là ngay khi chào đời. Với trẻ cần hỗ trợ thở và có những cơn ngừng thở nặng như bé Minh, chăm sóc theo phương pháp KMC giúp cải thiện hô hấp, giảm ngưng thở.
Sau hai tuần được kề da, bé Minh thở tốt hơn, ăn tốt, ngủ ngon, sức khỏe cải thiện rõ rệt. Nhân viên y tế cùng mẹ bắt đầu tập phản xạ bú nuốt cho bé.
Bé Minh giảm thính lực nặng tai phải, giảm nhẹ tai trái ở tuần thứ 37. Bác sĩ Vân giải thích do trẻ sinh non được chăm sóc trong điều kiện nhiều ánh sáng, có tiếng ồn, không ngủ đủ dễ ảnh hưởng đến thính lực. Phối hợp cùng với chuyên khoa thính học của bệnh viện, các bác sĩ hướng dẫn mẹ phương pháp điều trị đơn giản như bảo vệ giấc ngủ, có thể nói gần hơn vào tai nghe kém của bé. Nhờ đó, trung tâm nghe của não bộ có thể nhận các kích thích phù hợp để tiếp tục phát triển và cải thiện chức năng thần kinh của trẻ.
Ngày 20/12, bé Minh xuất viện, da dẻ hồng hào, biết cười khi nghe giọng bố mẹ, phát triển bình thường. Tình trạng thính lực của bé được cải thiện, nhưng cha mẹ cần tiếp tục tập phục hồi chức năng cho con tại nhà và theo dõi, tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Thanh Ba