Ngày 9/10, PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm mạch máu IgA trước đây được gọi là ban xuất huyết Henoch Schonlein. Đây là bệnh viêm mạch máu có tỷ lệ mắc khoảng 20/100.000 trẻ dưới 17 tuổi, tỷ lệ ở trẻ 4-6 tuổi là 70/100.000, bệnh phổ biến ở trẻ trai.
Dấu hiệu lâm sàng của bệnh là các tổn thương phẳng, không sờ thấy được (còn được gọi là dát) xuất huyết ngoài da xuất hiện ở cẳng tay, cẳng chân, mông, đau khớp, đau bụng. Những trẻ có tổn thương thận sẽ có triệu chứng tiểu đỏ, tiểu đạm, suy thận....
Lúc bé Ngọc nhập viện có biểu hiện xuất huyết ngoài da và đi tiêu ra máu. Bé được truyền dịch, chích thuốc để chống nôn, giảm triệu chứng tiêu hóa, hạn chế tổn thương ở vỏ thượng thận. Sau ba ngày, tình trạng ổn định, triệu chứng giảm.
Mẹ của bé cho biết bé không sốt nhưng ăn uống kém do nôn ói nhiều, cơ thể xuất hiện nốt chấm đỏ. Khoảng 6 tháng trước, bé được chẩn đoán mắc ban xuất huyết Henoch Schonlein, bác sĩ dùng thuốc ức chế miễn dịch corticoid liều thấp, điều trị duy trì để ngăn tái phát bệnh.
Theo Phó giáo sư Trụ, đa số trường hợp trẻ mắc ban xuất huyết Henoch Schonlein có thể tự hồi phục và cải thiện trong vòng vài tuần, tuy nhiên bệnh rất dễ tái phát, nhất là với trẻ em. Như bé Ngọc, đây là lần thứ 4 tái phát bệnh trong vòng gần nửa năm, nguy cơ cao bị tổn thương thận.
"Với ban xuất huyết Henoch Schonlein, biến chứng trên mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào có tổn thương thận hay không", Phó giáo sư Trụ nói, đồng thời khuyến cáo bệnh nhân bị ban xuất huyết Henoch Schonlein cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ. Trong trường hợp phát hiện người bệnh tổn thương thận, bác sĩ sẽ sinh thiết, thử máu để đưa ra phác đồ điều trị kịp thời.
Đình Lâm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |