Ngày 25/2, ThS.BS.CKII Vũ Đình Phương Ân, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, chẩn đoán bé mắc quai bị kèm liệt dây thần kinh số 7. Kết quả chụp MRI không phát hiện khối u hay tổn thương chèn ép dây thần kinh. Bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị liệt, phục hồi cơ mặt.

Kết quả MRI cho thấy bé Chi không phát hiện khối u hay tổn thương chèn ép dây thần kinh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Bệnh quai bị thường gặp ở trẻ từ 2 tuổi đến tuổi thanh thiếu niên, trẻ trai mắc nhiều hơn gái. ThS.BS.CKI Nguyễn Kiến Minh, chuyên khoa Thần kinh Nhi, điều trị bé Chi, cho biết virus quai bị có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch, gây viêm và phù nề dây thần kinh số 7, dẫn đến liệt mặt. Tuy nhiên, chèn ép dây thần kinh do tuyến mang tai sưng không phải là nguyên nhân chính gây bệnh. Liệt dây thần kinh số 7 có thể do virus (herpes simplex, zona...), chấn thương vùng đầu, phẫu thuật tai mũi họng, viêm màng não, rối loạn miễn dịch.
Bé Chi được dùng thuốc kháng viêm corticoid và tập vật lý trị liệu song đáp ứng điều trị chậm kém, mắt vẫn hở, miệng méo khi cười. "Điều trị liệt dây thần kinh số 7 sớm rất quan trọng vì ảnh hưởng đến khả năng hồi phục", bác sĩ Minh nói, thêm rằng điều trị muộn, khả năng phục hồi thấp, có thể để lại di chứng lâu dài như méo miệng khi cười, nhắm mắt không kín, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và thẩm mỹ.
Trẻ em bị liệt dây thần kinh số 7 thời gian phục hồi có thể mất 6 tháng. Sau 3-6 tháng tình trạng không cải thiện, bé có thể được tiêm botox để giảm co cứng cơ mặt hoặc phẫu thuật tái tạo dây thần kinh nếu tổn thương nặng. Bé Chi tiếp tục được điều trị bằng thuốc và tập vật lý trị liệu, đồng thời theo dõi định kỳ. Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu méo miệng, mắt nhắm không kín, đưa trẻ đến bệnh viện sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không tự ý ngưng thuốc, đi châm cứu mà cần tuân thủ phác đồ điều trị chuyên khoa để đạt kết quả tốt nhất.
Liệt dây thần kinh số 7 thường có biểu hiện sụp mí, khô, chảy nước mắt bất thường, khó nhắm mắt, miệng méo, chảy dãi, nói khó... Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể gây di chứng kéo dài như co giật cơ mặt, co cứng cơ, hội chứng "nước mắt cá sấu".
Triệu chứng quai bị là sưng đau vùng tai, má, hàm. Quai bị có biểu hiện giống với triệu chứng của cảm cúm thông thường, gồm sốt nhẹ trong 1-2 ngày đầu, sau đó sốt cao trên 38 độ C kèm mệt mỏi, đau đầu, tiết nước bọt nhiều... Đây là bệnh lý lành tính, tuy nhiên nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách có thể gây các biến chứng như viêm màng não, viêm tinh hoàn hay buồng trứng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh con, tổn thương dây thần kinh...
Một số trẻ mắc quai bị có biểu hiện sốt cao, nôn ói, choáng váng, nhức đầu, cơ quan sinh dục sưng to, cần đến viện ngay. Trẻ mắc bệnh cần phòng ngừa biến chứng bằng cách vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối, rửa tay với xà phòng, tránh xa nguồn bệnh... Tiêm vaccine sởi quai bị rubella là biện pháp phòng bệnh.
Đình Lâm
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |