BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc trẻ dưới đây để quá trình điều trị hiệu quả.
Chăm sóc tại phòng riêng, vệ sinh khử khuẩn
Phụ huynh nên cho trẻ mắc cúm ở phòng riêng để chăm sóc và theo dõi trong ít nhất 7 ngày. Hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết, nhất là người có yếu tố nguy cơ cao, diễn tiến nặng khi bị cúm như trẻ nhỏ, người cao tuổi.
Trẻ nên rửa tay thường xuyên bằng dung dịch khử khuẩn hoặc xà phòng và nước. Đồ dùng cá nhân của trẻ nên được để riêng và vệ sinh khử khuẩn sạch sẽ. Nếu trẻ đi ra khỏi phòng riêng cần đeo khẩu trang. Phụ huynh nên lựa chọn khẩu trang y tế cho trẻ giúp đảm bảo vệ sinh, độ thông thoáng, thoải mái, dễ thở. Người thân trực tiếp chăm sóc cho trẻ cũng nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Các biện pháp này nhằm giảm lượng virus, hạn chế nguy cơ tái nhiễm gây bệnh lâu dài ở trẻ, giảm nguy cơ lây bệnh cho những thành viên trong gia đình.

Phụ huynh chọn cho trẻ loại khẩu trang y tế để tiện lợi, thông thoáng. Ảnh minh họa: Đình Lâm
Sử dụng máy lạnh đúng cách
Trẻ mắc cúm thường cảm thấy mệt mỏi khó chịu. Duy trì nhiệt độ máy lạnh vừa đủ thoáng mát giúp trẻ dễ chịu. Lưu ý không để trẻ nằm ngay luồng máy lạnh thổi ra, giữ ấm cho cơ thể. Thời điểm ban ngày, hãy mở cửa phòng đảm bảo sự thông thoáng không khí, vệ sinh không gian sống sạch sẽ.
Không kiêng tắm
Trẻ tắm rửa sạch sẽ bằng nước ấm, tắm nhanh, lau khô giữ ấm nhanh, giúp ích cho quá trình hồi phục bệnh. Phụ huynh lựa chọn những thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày và bé không sốt để tắm cho con.
Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát
Trẻ mắc cúm thường bị sốt, ho, đổ nhiều mồ hôi.... Phụ huynh nên cho con mặc quần áo thoáng mát, làm từ các chất liệu mềm, độ thấm hút mồ hôi tốt để dễ chịu, thư giãn, hỗ trợ quá trình hồi phục.
Ăn uống đủ chất
Tăng cường thực phẩm có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch, cung cấp cho trẻ đủ dưỡng chất thiết yếu giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe.
Thực phẩm giàu vitamin C là một trong những thành phần quan trọng của hệ miễn dịch, giúp tế bào bạch cầu sản sinh, tăng miễn dịch cho cơ thể. Vitamin C có nhiều trong cam, lê, chuối, nho, táo, đu đủ.
Thực phẩm giàu protein có trong các loại thịt, trứng... cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như bông cải xanh, cải xoăn, cải bó xôi, rau ngót, cà chua, cà rốt, bí đỏ... cũng có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Phụ huynh chế biến thực phẩm thành dạng lỏng, mềm giúp trẻ dễ tiêu hóa, đa dạng món ăn nhằm kích thích vị giác, cảm giác ngon miệng. Chia thành nhiều bữa ăn cho trẻ lớn để ăn đủ lượng và chất.
Nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa. Triệu chứng cúm cũng có thể khiến trẻ bị mất nước, nếu kéo dài có thể gây biến chứng nguy hiểm. Trẻ nên uống nhiều nước hơn mỗi ngày. Với trẻ đang bú mẹ, phụ huynh nên cho trẻ tăng cữ bú so với nhu cầu bình thường giúp cung cấp đủ lượng dinh dưỡng, khoáng chất và nước.
Trẻ nghỉ ngơi nhiều
Trẻ mắc bệnh thường cảm thấy mệt và cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn bình thường. Trẻ nên nghỉ trong không gian thoáng mát, sạch sẽ, tham gia những hoạt động yêu thích ở mức độ nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh.
Nhỏ mũi và dùng thuốc đúng cách cho trẻ
Nghẹt mũi là một trong những triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc cúm. Nhỏ mũi và vệ sinh đúng cách nhằm loại bỏ chất nhầy, bụi bẩn bên trong mũi của trẻ, cải thiện tình trạng tắc nghẽn, thông thoáng đường thở. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhỏ mũi, vệ sinh mũi đúng cách cho con. Cha mẹ có thể phối hợp dùng thuốc cho trẻ, gồm thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho và các loại thuốc khác nhưng cần đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Trẻ mắc cúm được điều trị, chăm sóc tốt có thể hồi phục. Tuy nhiên một số trường hợp có thể gặp phải biến chứng nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm màng não. Phụ huynh nên thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, nhanh chóng đưa đến bệnh viện khi có một trong 4 dấu hiệu nguy hiểm toàn thân gồm bỏ bú hoặc bỏ ăn hoặc bỏ uống, nôn tất cả mọi thứ, co giật, li bì khó đánh thức. Biểu hiệu biến chứng của bệnh cúm như ho nhiều, tức ngực, khó thở, sốt cao khó hạ (thường trên 39 độ), ăn hoặc bú kém, có dấu hiệu mất nước...
Đơn Thương
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |