Truyền thông Nhật cuối tuần trước đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào giữa tháng sau và mong muốn Việt Nam là địa điểm diễn ra cuộc gặp này. Thái Lan, Singapore và Hawaii là những địa điểm khác được cân nhắc.
Tờ SCMP của Hong Kong cho rằng Việt Nam là địa điểm lý tưởng để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai, vì Hà Nội có quan hệ ngoại giao với cả hai quốc gia và được coi là nước trung lập. Năm 2006, tổng thống Mỹ George W. Bush từng nêu đề xuất đàm phán chấm dứt chiến tranh Triều Tiên bằng một hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội.
Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, cho rằng sự gần gũi về địa lý cũng là một lý do để Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
"Ông Kim có thể bay đến Hà Nội bằng cách di chuyển qua lãnh thổ Trung Quốc. Điều đó có thể giúp Bình Nhưỡng bớt lo lắng về vấn đề đảm bảo an ninh cho ông ấy hơn", Koh nói.
Năm ngoái, khi Trump - Kim gặp nhau ở Singapore, Trung Quốc đã đảm bảo an ninh cho chuyến bay của Kim Jong-un và có thể đã điều tiêm kích hộ tống chuyên cơ chở lãnh đạo Triều Tiên.
Zhao Tong, chuyên gia tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, cho rằng Việt Nam đáp ứng tất cả các tiêu chí cần thiết để làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
"Việt Nam từng bị bao vây cấm vận nhưng giờ họ đã mở cửa, kết nối cộng đồng quốc tế với tiềm lực kinh tế ngày càng tăng. Đây là mô hình mà Triều Tiên có thể nghiên cứu và học theo", Zhao nói và nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ rất ủng hộ hội nghị thượng đỉnh.
"Việc giảm căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc tăng cường hoạt động kinh tế với Triều Tiên, đây là mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng của Bắc Kinh và cũng có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở đông bắc Trung Quốc", Zhao nói.
Công cuộc Đổi Mới được Việt Nam khởi xướng vào năm 1986 đã thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp xuất khẩu tăng 70%, với các cải cách như chấm dứt kiểm soát giá cả và khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân. Vào đầu những năm 1990, Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ. Mỹ mở sứ quán ở Hà Nội và các nhà đầu tư Mỹ tiến vào thị trường Việt Nam.
Koh lập luận rằng triển vọng phát triển kinh tế nhanh chóng có thể thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. "Mỹ có thể muốn Triều Tiên phát triển kinh tế giống như Việt Nam - nước xã hội chủ nghĩa áp dụng mô hình kinh tế thị trường".
Kinh tế Triều Tiên đang gặp phải những thách thức lớn khi hứng chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Liên Hợp Quốc kể từ tháng 9/2017. "Qua các hội nghị thượng đỉnh, Mỹ dường như muốn truyền đạt thông điệp mang tính biểu tượng rằng Triều Tiên có thể chọn học theo mô hình kinh tế của Singapore hoặc Việt Nam", Koh đánh giá.
Giới quan sát tin rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai nếu được tổ chức ở Việt Nam sẽ thành công rực rỡ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả của hội nghị, bởi cuộc thảo luận giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ chỉ dừng lại ở đàm phán về giải trừ vũ khí chứ chưa tiến đến xóa bỏ hạt nhân hoàn toàn.
"Khả năng họ thống nhất được một thỏa thuận hạn chế có vẻ thực tế hơn, chẳng hạn như đóng băng và kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Đó có thể là bước quan trọng để tiến tới kiềm chế mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân Triều Tiên", Zhao nói. "Họ khó có thể đạt được kết quả đột phá về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên".