"Nhà đàm phán thông minh, cứng rắn và rất đáng tôn trọng", ít ai ngờ đó lại là những điều Tổng thống Mỹ Trump dùng để miêu tả lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong năm nay. Năm ngoái, ông từng gọi Kim là "gã điên muốn tự tìm đường chết" sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa.
Cục diện căng thẳng bán đảo Triều Tiên bắt đầu thay đổi từ bài phát biểu đầu năm mới 2018 của Kim Jong-un, khi ông bắt đầu thể hiện hình ảnh của một nhà ngoại giao. Kim không mặc áo kiểu Mao Trạch Đông quen thuộc mà khoác lên mình bộ vest màu xám, đưa ra thông điệp cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, tuyên bố nhiệm vụ hạt nhân của Bình Nhưỡng đã hoàn tất và nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế.
Động thái này dẫn đến việc em gái Kim Jong-un là Kim Yo-jong dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên dự Olympic. Với gương mặt luôn mỉm cười, cô Kim hiện lên như một người dễ gần và gây được nhiều thiện cảm với người Hàn Quốc.
Trong suốt 6 năm cầm quyền, Kim Jong-un chưa bao giờ rời khỏi đất nước và cũng không gặp gỡ lãnh đạo nước ngoài nào. Mối quan hệ giữa Triều Tiên với đồng minh duy nhất Trung Quốc cũng nguội lạnh vì Bắc Kinh đã ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng do bực bội trước các vụ thử vũ khí liên tiếp.
Tất cả những điều này thay đổi vào tháng ba, khi Kim Jong-un đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Lãnh đạo Triều Tiên thể hiện sự khiêm tốn với việc chăm chú lắng nghe và ghi chép khi ông Tập phát biểu. Hình ảnh này có phần lạ lẫm vì trong các bức ảnh của truyền thông Triều Tiên, ông Kim thường được bao quanh bởi các tướng và quan chức cấp cao, những người ghi chép lời chỉ đạo tại chỗ của ông trong các chuyến thị sát.
Giới chuyên gia đánh giá đây là động thái sửa chữa mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh trong bối cảnh Triều Tiên gặp khó khăn về kinh tế, đồng thời tìm kiếm sự hậu thuẫn của Trung Quốc trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Trump. Đồng thời, ông Tập cũng không muốn ngồi ngoài lề các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ. Kim Jong-un sau đó còn gặp ông Tập thêm hai lần vào tháng 5 và tháng 6.
Vào tháng 4, thế giới đổ dồn chú ý khi Kim Jong-un bắt tay Tổng thống Hàn Moon Jae-in ở Khu Phi quân sự (DMZ), đánh dấu lần đầu tiên trong 11 năm lãnh đạo hai miền gặp mặt. Trong một động thái không nằm trong kế hoạch, Kim Jong-un mời Tổng thống Moon bước sang phía bắc cùng mình rồi hai người cùng bước trở lại phía nam. Đây là lần đầu tiên sau 65 năm một lãnh đạo Triều Tiên đặt chân sang phía Hàn Quốc. CNN bình luận hành động này của Kim Jong-un là "sự thể hiện khéo léo về mặt ngoại giao trước ống kính của phóng viên".
"Một trang sử mới bắt đầu ngay bây giờ, tại điểm khởi đầu của lịch sử và kỷ nguyên hòa bình", Kim Jong-un viết trong sổ lưu niệm tại Nhà Hòa bình. Hai bên tuyên bố sẽ hướng tới chấm dứt chiến tranh và phi hạt nhân hóa bán đảo.
Trong cuộc gặp, Kim Jong-un tỏ ra nhã nhặn và tôn trọng Tổng thống Moon Jae-in, người gần gấp đôi tuổi mình, khi tránh hút thuốc dù gạt tàn đã được để sẵn trên bàn.
Kim - Moon sau đó có cuộc gặp lần hai vào ngày 26/5 tại DMZ để tạo điều kiện cho thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra như kế hoạch, sau khi Trump dọa hủy sự kiện. Tháng 9, Tổng thống Hàn bay tới Bình Nhưỡng và có hội nghị thượng đỉnh lần ba với lãnh đạo Triều Tiên nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa đang bế tắc.
Triều Tiên đã tiếp đón lãnh đạo Hàn rất long trọng. Ông Kim ra sân bay đón ông Moon. Hàng chục nghìn người xuống đường phố ở Bình Nhưỡng để vẫy chào. Ông Moon cũng phát biểu trước 150.000 người Triều Tiên tại sân vận động. Tổng thống Hàn ca ngợi Kim Jong-un là "người lịch sự và chân thành, luôn cư xử với tôi một cách rất tôn trọng".
Giây phút nổi bật nhất của Kim Jong-un trên sân khấu thế giới năm 2018 là cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Trump. Cả hai bắt tay và mỉm cười với nhau trong bầu không khí thân thiện. Kim nói với Trump thông qua phiên dịch viên rằng: "Tôi nghĩ toàn thế giới đang theo dõi khoảnh khắc này. Nhiều người trên thế giới sẽ nghĩ rằng điều này giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng".
Hai lãnh đạo nhất trí chấm dứt tình trạng đối đầu và hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo, nhưng không đề ra thời gian biểu cụ thể. Tuy Tổng thống Mỹ ca ngợi kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh, giới quan sát tỏ ra hoài nghi về tác động thực tiễn, nghi ngờ rằng Triều Tiên chỉ đang "câu giờ" để cứu vãn nền kinh tế bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt.
Sau hội nghị, Mỹ chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên đồng ý trao trả hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh và phá dỡ một số cơ sở thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa. Tuy nhiên, nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo không tiến triển như kỳ vọng, khi Triều Tiên được cho là vẫn tiếp tục mở rộng các cơ sở tên lửa, hạt nhân, còn Mỹ vẫn duy trì chiến dịch gây sức ép tối đa. Triều Tiên tháng này cảnh báo các cuộc đàm phán có thể đổ bể và căng thẳng sẽ quay lại như hồi năm 2017.
"Chúng ta đang thấy chiến lược ngoại giao được Triều Tiên xây dựng cẩn thận", Jean Lee, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, Washington đánh giá. "Kim Jong-un cảm thấy đã giải quyết được câu hỏi liệu ông có thể bảo vệ người dân như một lãnh đạo quân sự hay không. Bây giờ, ông ấy chuyển sự chú ý sang việc thể hiện cho thế giới thấy ông ấy có thể đóng vai trò của chính khách quốc tế".
Trong vài tháng tới, Kim Jong-un có thể tổ chức thêm cuộc gặp với Kim Jong-un và Moon Jae-in.
"Chúng ta sẽ thấy liệu Kim có thực sự muốn một tương lai không hạt nhân, trong đó Triều Tiên là một thành viên hội nhập hoàn toàn với cộng đồng quốc tế, hay chiến dịch tấn công quyến rũ hiện tại chỉ nhằm mục đích được nới lỏng trừng phạt để thúc đẩy phát triển kinh tế", cây bút Steven Borowiec viết trên CNA.