Kể từ khi lên nắm quyền, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hứa hẹn với người dân về một tương lai thoát khỏi nghèo đói. Phát triển kinh tế cũng là chủ đề mà Kim Jong-un luôn nhấn mạnh trong các bài phát biểu năm mới. Trong chuyến thăm Trung Quốc tuần này, ông Kim và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tập trung thảo luận việc Triều Tiên có thể phát triển kinh tế như thế nào.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên gần đây sản xuất phim tài liệu dài một giờ về chuyến đi Singapore của Kim Jong-un trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bộ phim chú ý nhiều đến những ánh sáng rực rỡ của thành phố hiện đại này.
Theo CNN, Singapore là mô hình kinh tế lý tưởng với Kim. Sau khi tách khỏi Liên bang Malaysia năm 1965, Singapore gặp khó khăn về mặt tài chính và chính trị. Họ đã bắt tay vào những cải cách xã hội và kinh tế lớn, được lãnh đạo bởi Thủ tướng đầu tiên của đất nước là Lý Quang Diệu và đảng Hành động Nhân dân.
Ông Lý đã duy trì quyền kiểm soát nghiêm ngặt đối với hầu hết mọi khía cạnh của thành phố. Các đối thủ chính trị bị kiện vì tội phỉ báng, kẹo cao su bị cấm và truyền thông "hoạt động sao cho tính toàn vẹn của Singapore được đảm bảo", ông Lý nói trước khi qua đời vào năm 2015.
"Khi Kim đến Singapore, ông ấy sẽ suy nghĩ về đất nước mình. Trong khi Kim đã có thể tự đưa Triều Tiên thành nước sở hữu vũ khí hạt nhân, ông ấy đang phải tìm cách biến đổi xã hội của mình", Joseph Siracusa, giáo sư an ninh và ngoại giao quốc tế tại Đại học RMIT ở Australia, nói.
Lý Quang Diệu "chưa bao giờ nhận viện trợ nước ngoài, ông ấy nhận đầu tư nước ngoài", Siracusa chỉ ra và cho rằng điều này có thể khiến Kim Jong-un phải suy nghĩ.
Kim Jong-un đã làm người Singapore và du khách ngạc nhiên khi ông đi tham quan thành phố một ngày trước cuộc gặp với Trump. Ông đã đến công viên Gardens by the Bay, nơi được truyền thông Triều Tiên nhấn mạnh là trồng những loài cây "vốn không mọc ở Singapore". Ông Kim cũng ngắm nhìn thành phố Singapore từ trên cao tại tầng thượng của khách sạn Marina Bay Sands.
Lãnh đạo Triều Tiên còn đến thăm cảng của Singapore, người đọc lời dẫn trong phim tài liệu nhấn mạnh đây là cảng nhộn nhịp nhất thế giới. "Khi lãnh đạo tối cao nhìn quanh cảng, ông nói rằng ông có thể hiểu rõ tiềm năng và sự phát triển của nền kinh tế Singapore. Ông có ấn tượng tốt về đất nước", bà nói.
Ông Kim có thể mang những ấn tượng tốt đẹp đó về Bình Nhưỡng. Kim Jong-un "sẽ rất ấn tượng khi nhìn vào một nơi chuyển mình từ vũng ao tù thành cảnh quan hàng đầu thế giới như vậy và tự hỏi tại sao họ có thể làm được điều đó", Siracusa nói.
Khi họp với Trump ngày 12/6, Kim Jong-un nói rằng nhiều người không tin sự kiện này có thể diễn ra và cuộc gặp ngỡ như là chỉ xuất hiện trong phim viễn tưởng.
"Khi Kim nói ông ấy trong một bộ phim khoa học viễn tưởng với Trump, ông ấy đang nhìn vào tương lai. Ông ấy nghĩ đến những nguồn vốn từ nước ngoài. Ông ấy thực sự nghĩ Triều Tiên có thể là một điểm đến du lịch", Siracusa đánh giá. Tháng trước, ngay sau khi Triều Tiên cho phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Wonsan, Kim Jong-un đã đi thị sát một khu du lịch gần đó mà ông hy vọng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, có ít bằng chứng cho thấy "Singapore sẽ là mô hình Kim Jong-un nhất thiết phải đi theo", Andrew O'Neil, nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Griffith ở Australia, nói.
"Tuy những thành tựu kinh tế của Singapore là phi thường, họ chủ yếu dựa vào sự phát triển tư bản nhà nước giống với Hàn Quốc. Vị trí địa lý của Singapore - nơi các tàu thuyền phải đi qua khi vào khu vực - cũng một điểm mấu chốt dẫn đến mức tăng trưởng hàng đầu thế giới cho nước này. Trong khi đó, tình hình của Triều Tiên rất khác", O'Neil nhận định.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh, ông Kim đã cùng ông Tập đi thăm nhiều cơ sở triển lãm phát triển, bao gồm Trung tâm Kiểm soát Giao thông Đường bộ Thành phố Bắc Kinh và Viện Cải tiến Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Quốc gia.
"Thành thật mà nói, người Trung Quốc đang cố gắng thu hút lãnh đạo Triều Tiên theo đuổi các cải cách thị trường giống Trung Quốc và mở cửa các lĩnh vực then chốt của kinh tế Triều Tiên", O'Neil nói.
Đối với một số nhà quan sát, hình mẫu mà ông Kim nhiều khả năng đi theo nhất là Việt Nam - từ cựu thù trở thành đối tác thương mại và an ninh của Mỹ. Công cuộc Đổi Mới được Việt Nam thực hiện vào giữa những năm 1980 đã thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp xuất khẩu tăng 70%. Vào đầu những năm 1990, Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ. Mỹ mở sứ quán ở Hà Nội và các nhà đầu tư Mỹ tiến vào thị trường Việt Nam.
Sau cuộc gặp đầu tiên giữa Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Moon Jae-in tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), hai bên đã thảo luận về việc tạo ra các khu kinh tế và mở lại tuyến đường sắt nối hai miền bán đảo.
Ông Moon đưa cho ông Kim một chiếc USB chứa gợi ý về ba "vành đai phát triển" bao gồm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, giao thông, hậu cần, công nghiệp và môi trường, du lịch.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết Mỹ muốn phối hợp với các đồng minh như Nhật và Hàn Quốc hỗ trợ Triều Tiên phát triển nền kinh tế. Họ "sẽ giúp đỡ hiện đại hóa lưới điện ở Triều Tiên, mở rộng ngành công nghiệp khai khoáng và khoáng sản, phục hồi ngành nông nghiệp với mục tiêu tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực", báo cáo của trung tâm có đoạn.
Tuy nhiên, vẫn còn chuyên gia hoài nghi liệu Kim Jong-un có thật sự muốn cải cách và phát triển kinh tế, hay Triều Tiên vẫn sẽ giữ lấy vũ khí hạt nhân để đòi các nước khác nhượng bộ kinh tế.
"Tôi cho rằng mục đích của bộ phim về chuyến đi Singapore của Kim Jong-un là để thể hiện Kim được quốc tế công nhận. Họ muốn phô trương điều đó với người dân trong nước", David Maxwell, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn, đánh giá.
"Họ muốn thể hiện rằng dù quốc gia khác có giàu có thế nào thì họ cũng rất tôn trọng Kim Jong-un", ông nói thêm.