"Bàn tay gió thổi" là tình trạng khớp ngón tay bị trật, nghiêng đều về một hướng, giống như bị gió thổi dạt qua một bên. ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đây là một triệu chứng rất điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp, có ý nghĩa phân biệt với các tình trạng bệnh lý khớp viêm khác.
Dù có thể xảy ra do chấn thương hoặc biến chứng sau sinh, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng "bàn tay gió thổi" là viêm khớp dạng thấp. Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, bắt đầu từ những tổn thương ở màng hoạt dịch của khớp, làm cho các khớp trở nên sưng, nóng, đỏ và đau. Bệnh ảnh hưởng đến các khớp đối xứng nhỏ và vừa trong cơ thể như khớp hai cổ tay hoặc hai đầu gối, khớp bàn ngón tay 2 bên... Nếu không được điều trị kịp thời, viêm khớp dạng thấp có thể gây tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác như mắt, tim, phổi, da, mạch máu... Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, trong độ tuổi 30-60, đặc biệt là ở người có tiền sử gia đình mắc viêm khớp dạng thấp.
Những dấu hiệu đầu tiên của "bàn tay gió thổi" là: sưng, đau cả ở hai bên các khớp nhỏ và vừa, có tính đối xứng, đặc biệt là tại khớp cổ tay, bàn ngón tay. Cơn đau nghiêm trọng nhất là từ nửa đêm đến gần sáng. Cứng khớp vào sáng sớm trên 30 phút. Tình trạng này có thể kéo dài trong ít nhất 6 tuần.
Khi bệnh nặng không được kiểm soát trong thời gian dài, các tổn thương ăn mòn phần mềm xung quanh khớp bàn ngón sẽ gây ra tình trạng trật khớp, các ngón tay nghiêng trụ. Khớp bàn ngón là khớp lồi cầu và có thể chuyển động về hai bên nên thường ít ổn định hơn khớp ngón tay. Khớp này chịu trách nhiệm nối ngón tay với bàn tay. Khi viêm bao hoạt dịch và tổn thương sụn khớp trong viêm khớp dạng thấp xảy ra có thể kéo giãn bao hoạt dịch và dây chằng, làm khớp này mất ổn định. Bên cạnh đó, viêm khớp dạng thấp tiến triển gây tổn thương bao hoạt dịch khớp cổ tay, mỏm trâm trụ và đầu xương thuyền; làm lỏng khớp cổ tay, mất cân bằng các gân và nghiêng trụ khớp bàn ngón. Khi các ngón tay bị nghiêng lệch thì độ chịu lực sẽ không cân bằng, có thể làm mòn gân, mòn dây chằng hoặc gây trượt gân ngón tay. Lúc này, các khớp bàn ngón đều cong vẹo, biến dạng, mất gần như hoàn toàn chức năng cầm nắm.
Để tránh biến chứng "bàn tay gió thổi", người bệnh cần kiểm soát tốt viêm khớp dạng thấp. Vì viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn nên không thể chữa khỏi hoàn toàn, các phương pháp điều trị nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng bệnh, giúp ổn định bệnh và ngăn ngừa phát triển biến chứng. Theo bác sĩ Hoài Thanh, bệnh thường được điều trị nội khoa với các loại thuốc như các thuốc kháng IL-6 hay kháng TNF- alpha; thuốc ức chế JAK ngăn ngừa giải phóng các chất tiền viêm cytokin, gây viêm khớp; thuốc giảm đau kháng viêm...
Ngoài điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ như vật lý trị liệu, châm cứu, massage... để tăng cường lưu thông máu, cải thiện sức mạnh cơ bắp, giúp các khớp trở nên linh hoạt hơn. Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học và duy trì cân nặng hợp lý cũng giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Trong trường hợp tổn thương khớp nghiêm trọng, phẫu thuật là phương pháp tối ưu để phục hồi khả năng vận động của người bệnh. Bác sĩ sẽ thay phần khớp bị tổn thương bằng khớp nhân tạo, được làm từ nhựa, gốm sứ, kim loại... Phẫu thuật giúp phục hồi lại phần nào các khớp bị trật hỏng; cân bằng lại phần mềm quanh khớp để giải quyết tình trạng co rút, biến dạng, giúp ngón tay cử động lại như bình thường.
Bác sĩ Hoài Thanh nhấn mạnh, không chỉ gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở khớp biểu hiện là tình trạng "bàn tay gió thổi", biến dạng các khớp, mà viêm khớp dạng thấp còn tổn thương đến nhiều cơ quan khác, do đó, người bệnh nên thăm khám bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh lý này.
Phi Hồng