Xuất phát từ quan điểm đồng tình với tác giả bài viết "Tôi không khuyến khích học sinh thuộc lòng thơ", độc giả Hquang.xd cho rằng "không nên ép trẻ học thuộc lòng thơ khi chúng không hiểu gì":
"Những bài thơ ngày còn đi học rất hay và ý nghĩa, tuy nhiên ngày ấy tôi không hiểu gì. Mãi đến những năm học đại học, cuộc sống xa nhà, có thêm nhiều trải nghiệm tôi mới biết chiêm nghiệm về những thứ đã qua. Khi ấy, đọc lại những bài thơ như bài Đồng chí, Nhớ rừng, Bếp lửa... tôi mới dần dần mường tượng được cái hàm ý, cái hình bóng tư tưởng được tác giả gửi gắm.
Những bài thơ có lẽ người ta phải đi được nửa cuộc đời mới thấy hết được cái hay ho gửi gắm bên trong vần thơ, ấy thế mà người ta bắt các em phải thuộc lòng, phải phân tích, phải cảm thụ. Có khác nào bắt trẻ lên ba giải tích phân, đạo hàm?
Thơ cũng có phần nào đó trừu tượng, rất khó để các em nhỏ cảm được chứ đừng nói là phân tích. Ngay cả người lớn chúng ta ngồi lại còn phải tranh luận chán chê mới vỡ lẽ được. Vậy nên chăng tách ra thành môn năng khiếu như Mỹ thuật, Âm nhạc? Về vai trò vốn từ và cách diễn đạt, tôi khẳng định sẽ không có giá trị nhiều khi học thơ. Thà rằng chúng ta cho trẻ đọc những bài báo hay về đời sống, xã hội có lẽ còn có giá trị hơn".
Đồng quan điểm, bạn đọc Bo bổ sung thêm: "Khi còn học phổ thông, tôi cũng thuộc ít bài thơ, những bài này là sở thích riêng tôi. Một câu hỏi lớn của riêng tôi khi đó rằng khi kiểm tra làm bài văn một tiết phân tích bài thơ thì tại sao thầy cô không viết bài thơ trên bảng cho cả lớp, mà học sinh phải học thuộc lòng? Tôi nghĩ rằng để phân tích một bài thơ, người phân tích cần có nhiều kiến thức về xã hội, văn hoá, nhận thức, tinh hoa, thế hệ... vào thời gian tác giả sáng tác bài thơ chứ không cần phải học thuộc lòng bài thơ".
>> Con tôi không phải học thuộc lòng một bài văn, thơ nào ở Anh
Trong khi đó, phản biện lại ý kiên trên, độc giả Nguyễn chí Tài lại cho rằng học thơ không nhằm đem lại lợi ích về vật chất mà là để nuôi dưỡng tâm hồn con người: "Yêu thơ, thuộc thơ có thể không đem lợi ích về vật chất gì cho ta nhưng nó nuôi dưỡng tâm hồn để ta yêu hơn những cái đẹp, cái hay trong cuộc sống. Những bài thơ như: "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, "Nhớ rừng" của Thế Lữ, "Tây tiến" của Quang Dũng. "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh, "Quê hương" của Giang Nam hay Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du... đọc một lần rồi nhớ mãi, nó gần như thấm vào máu và theo ta suốt cuộc đời. Trong suốt hành trình tha phương cầu thực, nhiều lúc cô đơn ngâm nga đọc lại những bài thơ huyền thoại đó mà thấy nhẹ nhõm tâm hồn".
Ở một khía cạnh khác, bạn đọc Yennguyen29111979 nhấn mạnh thơ giúp trẻ phát triển về mặt ngôn ngữ và tư duy: "Tôi chưa từng ngồi tụng như kinh để thuộc lòng thơ. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thuộc lòng tất cả những bài thơ tôi từng đọc trong sách giáo khoa, kể cả bài đọc thêm. Những đoạn thơ ngắn học từ lớp hai đến nay, sau hơn 30 năm tôi vẫn thuộc làu. Tôi thích lẩm nhẩm bài thơ vừa học trong đầu đơn giản vì tôi thấy vần điệu nó hay, câu từ nó đẹp chứ không phải vì để được điểm cao. Thực tế, thơ giúp ích rất nhiều cho trẻ phát triển về mặt ngôn ngữ và tư duy, chính vì vậy mà có người nói năng hay như thơ còn có người không biết diễn đạt ý mình như thế nào cho trôi chảy dẫn đến ngại giao tiếp và yếu kém trong kỹ năng xã hội".
Cũng đề cao giá trị của thơ ca, độc giả Tem Com nhận định: "Theo tôi, việc thuộc nhiều văn thơ chính là vốn từ, cách thức diễn đạt, nền tảng để người ta có thể sáng tạo ra tác phẩm văn thơ mới. Văn thơ mà đọc xong rồi quên thì văn thơ đó không có giá trị nữa, không còn là nguồn nuôi dưỡng tinh thần con người phát triển. Những nhà văn, nhà thơ giỏi thì chắc chắn họ sẽ thuộc nhiều tác phẩm văn thơ nổi tiếng từ những tác giả khác và đó là động lực, là cảm hứng để họ sáng tác mới. Bởi những gì lưu giữ trong trí nhớ thì có thể liên tưởng bất cứ lúc nào và suy diễn sâu xa, còn lưu trong sách vở và mạng internet chỉ có tác dụng duy nhất là lưu giữ mà thôi và người đọc mà xem xong rồi quên thì văn thơ đó trở nên vô nghĩa rồi".
Bạn nghĩ sao về việc học sinh phải học thuộc thơ?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.