Đọc bài viết "Học giỏi Văn để làm gì?", tôi thấy nhiều người đang hiểu sai giá trị của môn học này, cho rằng học Văn "không giúp gì được gì trong cuộc sống sau này". Theo tôi. câu hỏi nên được đặt ra ở đây chính xác phải là: "Học Văn để làm gì?".
Tôi nghĩ rằng, câu trả lời cũng giống như chuyện "học Toán để làm gì?", "nghe nhạc để làm gì?", "xem phim để làm gì?" hoặc "đi chơi để làm gì?" vậy. Nghe qua thì có vẻ các câu hỏi trên không liên quan đến nhau, nhưng thật ra tất cả mọi việc đều cùng một mục đích: giúp bạn khám phá, cảm nhận con người của chính mình; hiểu được mình là ai và mình đến với thế giới này để làm gì? Bởi vì, mọi thứ xung quanh chính là tấm gương phản chiếu nội tâm của bạn.
Thành thật mà nói, chẳng phải các môn học như Toán, Văn, Anh, Lý, Sinh... cũng là do con người tự tổng hợp kiến thức, kinh nghiệm mà mình thấy, mình biết, mình hiểu rồi phân chia ra từng môn học nhỏ để dễ kiểm soát, nghiên cứu và khám phá hay sao? Điều đó thể hiện sự khát khao con người về tri thức, về thế giới xung quanh và thực ra là về chính thế giới bên trong họ nữa. Hãy nhớ, các môn học đều từ cuộc sống mà ra.
Quay trở lại vấn đề "học Văn để làm gì?", đối với tôi, môn học này chỉ đơn giản là cho ta nhìn và khám phá cuộc sống qua lăng kính Văn học. Một bài Toán còn có những cách giải khác nhau thì với cùng một vấn đề, các nhà văn cũng có những suy nghĩ khác nhau (vì mỗi tác giả đều có những trải nghiệm riêng trong hành trình sống chính mình). Từ đó, tôi học được cách tư duy, cách tôn trọng và cách sống từ họ.
>> Tôi bị đánh giá 'dốt Văn' vì không viết theo khuôn mẫu
Ví dụ, trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, khi Đẩu (một chánh án tòa án huyện) bảo người đàn bà ly hôn vì ông chồng có hành vi bạo lực gia đình, người đàn bà đã nói: "Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...".
Một câu nói tưởng chừng như bình thường nhưng thật ra ẩn chứa một ý nghĩa, cách sống vô cùng nhân văn và sâu sắc. Đó là hãy đặt mình vào vị trí người khác để lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ. Rõ ràng nhìn thấy người vợ (người đàn bà hàng chài) bị chồng mình bạo hành như vậy, thì ai chẳng nghĩ là nên khuyên bà ấy ly dị với chồng. Thậm chí, bản thân người đàn bà ấy cũng biết là nên như vậy, nhưng điều đáng lưu tâm là tại sao bà không làm thế?
Và mặc dù là một chánh án thực thi công lý nhưng Đẩu cũng quên mất việc lắng nghe mà vội phán ngay: "Tôi chưa hỏi tội của hắn mà tôi chỉ muốn bảo ngay với chị: Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu". Phải chăng, ta cũng hay vội đánh giá một người mà không cần suy nghĩ như Đẩu? Nhìn một người có hình xăm, ta liền vội vàng đánh giá họ là người hư hỏng, ăn chơi, giang hồ?
Thử phỏng theo câu người đàn bà làng chài: Lòng các bạn tốt, nhưng các bạn đâu ở trong cuộc sống của tôi... cho nên các bạn đâu có hiểu được cái giá trị của hình xăm này... Và dù muốn hay không muốn, thì đôi khi ta cũng lỡ ép, muốn ép một người nào đó sống theo ý của mình, dù chỉ là trong suy nghĩ. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, anh chị và em, ông bà và cháu, đồng nghiệp với nhau... Vì thế, điều mình có thể học ở đây chính là cách sống lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ.
>> Học Văn dù 'không có tính ứng dụng'
Và những gì mà tôi vừa mới nói phía trên, cũng chính là những thao tác trong nghị luận Văn học. Học những dẫn chứng, để ý từng câu chữ mà tác giả sử dụng không phải để thuộc lòng, học để thi. Mà lớn hơn cả là trong quá trình học, ta học cách quan sát, phân tích và rút ra những bài học. Tuyệt vời hơn là áp dụng những kỹ năng đó, kiến thức đó mà nhìn nhận cuộc sống xung quanh mình, thay đổi nhận thức bản thân, dần dần thay đổi hành động, trở thành một người tử tế.
Đọc một tác phẩm văn học cũng chính là đọc một cuốn sách, chỉ khác là thay vì đọc nguyên cuốn sách thì ta chỉ đọc một số đoạn nổi bật trong sách giáo khoa. Vậy nên, phân tích một tác phẩm văn học cũng giống như việc bạn đọc một cuốn sách xong rồi nghiền ngẫm. Và tôi nghĩ là, bạn không phủ nhận giá trị của sách chứ?
Tóm lại, là một người đã có những thay đổi tích cực từ môn Văn, tôi khẳng định rằng việc học Văn trong nhà trường phổ thông như hiện nay (phân tích tác phẩm văn học) đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.