Sau khi phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm lưng, người bệnh cần dành một khoảng thời gian cho việc phục hồi bằng cách tuân thủ chế độ nghỉ ngơi, thực hiện các bài tập thể dục... Điều này giúp khôi phục trạng thái bình thường của đĩa đệm, giải nén cho dây thần kinh, tủy sống..., tăng cường sức khỏe cột sống sau thời gian dài bị tổn thương, giảm đau, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, hạn chế tái phát hoặc biến chứng sau phẫu thuật, giúp người bệnh nhanh chóng trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường.
BS.CKI Đỗ Thị Hồng Ánh, Khoa Phục hồi chức năng - Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, khoảng 2-3 tuần sau khi phẫu thuật, các mô mềm đã lành, người bệnh có thể bắt đầu thực hiện các bài thể dục theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Để các bài tập phát huy hiệu quả như mong đợi, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên điều trị, đeo nẹp ở vị trí mổ, trao đổi với bác sĩ về thời gian, cường độ tập theo từng giai đoạn...
Một số bài tập phục hồi sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm phổ biến nhất gồm:
Tư thế cái bàn cân bằng có khả năng tác động đến các cơ cốt lõi và giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng.
Để thực hiện bài tập này, người bệnh quỳ gối và chống thẳng hai tay xuống sàn. Giữ thẳng cột sống, hai tay đặt ngay dưới vai và đầu gối thẳng hàng với hông. Sau đó duỗi thẳng tay phải về phía trước, giữ cho cánh tay thẳng hàng với vai. Đồng thời, duỗi thẳng chân trái ra phía sau, nâng chân cao ngang hông. Giữ tư thế này trong một vài nhịp thở sâu, sau đó nhẹ nhàng hạ cánh tay và chân xuống vị trí bắt đầu. Lặp lại bài tập này với tay trái và chân phải. Thực hiện 10 – 15 lần cho mỗi bên.
Tư thế rắn hổ mang có nhiều mức độ từ đơn giản đến nâng cao, tác động trực tiếp vào các cơ lưng, rất thích hợp cho những người vừa phẫu thuật thoát vị đĩa đệm ở lưng.
Bài tập này được bắt đầu ở tư thế nằm sấp, hai tay đặt dưới vai. Sau đó đẩy thẳng tay để nâng phần thân trên lên, trong khi vẫn giữ hông sát sàn. Giữ tư thế này trong 5 giây, sau đó từ từ nằm sấp xuống sàn. Lặp lại động tác này 10 lần.
Tư thế châu chấu kéo giãn gân kheo và giúp vùng lưng dẻo dai hơn. Bài tập này có thể được thêm vào khi người bệnh có chuyển biến tích cực trong quá trình hồi phục.
Đầu tiên, hãy nằm sấp, úp mặt xuống sàn và chắp hai tay ra sau, ôm lấy lưng. Tiếp theo, chỉ để bụng chạm sàn, nâng thân trên và thân dưới lên. Đồng thời, chụm hai bả vai lại, mười ngón tay đan chặt vào nhau và kéo ra sau. Giữ tư thế này trong 5 giây, sau đó từ từ hạ phần thân người trở lại mặt sàn, thả lỏng hai tay. Lặp lại động tác này 10 lần.
Bác sĩ Hồng Ánh khuyến cáo, trong khoảng 4 tuần đầu sau phẫu thuật, người bệnh nên tránh các hoạt động có thể gia tăng áp lực lên lưng như lái xe, ngồi lâu, uốn cong lưng, nâng tạ hoặc các vật nặng từ 2,5kg trở lên...
Cũng như bất kỳ hình thức phẫu thuật nào khác, điều trị thoát vị đĩa đệm lưng cũng tồn tại một số nguy cơ biến chứng như rách màng cứng, tổn thương rễ thần kinh, són ruột hoặc bàng quang, viêm phổi do tụ dịch, huyết khối tĩnh mạch sâu, chảy máu nhiều, nhiễm trùng, đau dai dẳng sau phẫu thuật... Những tình trạng này có thể xảy ra ngay sau phẫu thuật hoặc nhiều năm sau đó, nhưng thường gặp nhất là trong 3 tháng đầu. Do đó, người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám hoặc gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sốt cao, ớn lạnh, chảy máu, sưng tấy, chảy dịch, tê yếu ở chân, đau bắp chân hoặc ngực...
Phi Hồng