Dung tích phổi là tổng lượng không khí mà phổi có thể chứa. Lão hóa là nguyên nhân hàng đầu khiến dung tích và chức năng phổi giảm. Ngoài ra có thể kể đến nguyên nhân khác như: bệnh phổi mạn tính, khí phế thũng và hen suyễn, béo phì, không hoạt động thể chất, dị tật thành ngực, thiếu vitamin, thai kỳ...
Nhiều bài tập có thể giúp duy trì dung tích phổi, giữ cho phổi khỏe mạnh và cung cấp cho cơ thể lượng oxy cần thiết.
Thở bằng cơ hoành
Khi cơ thể già đi, các cơ được sử dụng để thở yếu và phổi mất tính đàn hồi. Điều này làm giảm lượng không khí mà phổi có thể giữ, giảm hiệu quả trao đổi oxy và carbon dioxide.
Thở cơ hoành là việc thở sâu với sự tham gia của cơ hoành. Phương pháp này giúp tăng cường chức năng của cơ hoành, phổi hoạt động hiệu quả hơn đồng thời người luyện tập có cảm giác bình tĩnh, thư giãn. Kỹ thuật này rất hữu ích ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Nếu mắc COPD thì người bệnh hãy nhờ bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu hô hấp chỉ cách vận dụng bài tập này để có kết quả tốt nhất. Mặc dù các bài tập thở có thể cải thiện triệu chứng COPD theo thời gian, nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chúng có thể thay đổi tình trạng phổi bị bệnh.
Để thở bằng cơ hoành, mỗi người nên thư giãn vai và ngồi lại hoặc nằm xuống; đặt một tay lên bụng và một tay lên ngực; hít vào bằng mũi trong 2 giây, cảm nhận không khí di chuyển vào bụng; thở ra trong 2 giây qua đôi môi mím.
Thở mím môi
Thở mím môi có thể làm chậm nhịp thở, giữ cho đường thở của mở lâu hơn. Điều này giúp phổi hoạt động dễ dàng, cải thiện quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide.
Bài tập thở này thường dễ dàng hơn cho người mới bắt đầu so với thở bằng cơ hoành. Bạn có thể thực hiện nó ở nhà dù không có thầy giáo hướng dẫn. Người tập dễ dàng thực hành bất cứ lúc nào.
Bài tập cũng giúp giải phóng không khí bị mắc kẹt trong phổi, có thể thực hiện bất cứ nơi nào khi cảm thấy khó thở ví dụ trong lúc khó khăn khi thực hiện hoạt động như cúi người, nâng đồ vật hoặc leo cầu thang.
Để thực hành kỹ thuật thở mím môi, mỗi người hít vào từ từ qua lỗ mũi; mím môi như đang bĩu môi hoặc chuẩn bị thổi vào thứ gì đó; thở ra càng chậm càng tốt qua đôi môi mím lại.
Ngoài thực hiện các bài tập thở, để bảo vệ sức khỏe phổi, mỗi người nên ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và nhiều chất xơ; tiêm vaccine cúm, viêm phổi. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng phổi và tăng cường sức khỏe tổng thể. Đồng thời, các gia đình nên cải thiện chất lượng không gian sống, sử dụng công cụ như bộ lọc không khí, loại bỏ nấm mốc, bụi.
Những thay đổi về lối sống có thể thực hiện để giúp hạn chế tổn thương bao gồm: bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc; tránh tiếp xúc với chất ô nhiễm, chất gây dị ứng, chất độc từ môi trường; quản lý trọng lượng cơ thể...
Các triệu chứng của dung tích phổi thấp bao gồm thở gấp, khó thở và mệt mỏi. Nếu đang gặp phải những triệu chứng này, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Thông thường, mỗi người mất vài tuần tập thở đều đặn hoặc tăng cường hoạt động thể chất để cải thiện triệu chứng. Một số người có thể thấy kết quả sớm hơn.
Các bác sĩ đo dung tích phổi bằng cách sử dụng một bài kiểm tra phép đo phế dung. Kết quả của xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán tình trạng như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn...
Lê Nguyễn (Theo Healthline)