Tập thể dục là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: hạn chế bệnh tật, cung cấp năng lượng, giảm căng thẳng, kiểm soát cân nặng... BS.CKI Nguyễn Văn Toại, khoa Thần kinh Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, tập thể dục đặc biệt cần thiết ở những người bệnh bị trượt đốt sống. Khi được thực hiện đúng cách, các bài tập thể dục sẽ giúp giảm đau, tăng cường tính linh hoạt và sức mạnh, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Một số bài tập tốt cho người bệnh trượt đốt sống như:
Kéo gối sát ngực
Bài tập này tác động lên một số cơ cốt lõi, giúp người bệnh lấy lại sự ổn định của cột sống và giảm đau hiệu quả.
Người bệnh bắt đầu bài tập với tư thế nằm ngửa, gập đầu gối sao cho lòng bàn chân đặt trên mặt sàn. Dùng cơ bụng kéo rốn về phía cột sống và ấn lưng xuống sàn. 2 tay ôm và kéo 2 đầu gối sát vào ngực. Giữ nguyên tư thế này trong 5 giây. Sau đó thả tay và trở lại tư thế bắt đầu. Lặp lại 10 lần.
Kích thích các cơ nhiều nhánh
Cơ nhiều nhánh là những cơ nhỏ nhưng quan trọng nằm cạnh cột sống, hỗ trợ thực hiện các chuyển động vặn và uốn người. Nhóm cơ này thường bị suy yếu ở những người bệnh trượt đốt sống. Vì vậy, bài tập kích thích các cơ nhiều nhánh sẽ giúp tăng cường sức mạnh và sự ổn định của các khớp cột sống.
Người bệnh bắt đầu bài tập với tư thế nằm nghiêng, một tay chống gáy, tay còn lại di chuyển dần đến rảnh cột sống ở sau lưng. Sau đó di chuyển nhẹ nhàng ngực về phía đùi, trong khi không di chuyển chân. Động tác này sẽ làm cho các cơ nhiều nhánh ở cạnh cột sống phình lên dưới tay người bệnh. Giữ nguyên tư thế này trong 3 giây, lặp lại 10 lần và đổi bên.
Căng cơ mông
Bài tập này giúp giảm căng và cứng lưng dưới. Người bệnh nằm ngửa, gập gối, sao cho lòng bàn chân phải đặt trên mặt sàn. Đặt mắt cá chân trái lên đầu gối chân phải. 2 tay luồn xuống, nắm lấy đùi chân phải và kéo về phía ngực cho đến khi cảm thấy căng ở mông. Giữ nguyên tư thế này trong 15 đến 30 giây rồi thả tay ra. Lặp lại bài tập 3 lần ở mỗi chân.
Căng gân kheo
Sự mất ổn định của cột sống do trượt đốt sống thường dẫn đến căng gân kheo. Tình trạng này có thể tác động gây đau lưng dưới. Các bài tập căng gân kheo được thiết kế để giúp làm giãn và nới lỏng gân kheo, từ đó giảm căng đau ở lưng dưới.
Đầu tiên, người bệnh ngồi trên sàn nhà, duỗi thẳng 2 chân về phía trước, các ngón chân hướng lên trần nhà. Sau đó từ từ nghiêng người về phía trước và cố gắng chạm tay vào các ngón chân. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy lực kéo ở gân kheo. Giữ nguyên tư thế này trong 30 giây rồi ngồi thẳng dậy. Lặp lại động tác kéo căng 3 lần, mỗi lần cố gắng vươn tay xa hơn một chút.
Ngoài các bài tập vật lý trị liệu được hướng dẫn, người bệnh có thể đạp xe hoặc bơi lội để kiểm soát tốt cơn đau.
Bác sĩ Toại khuyến cáo, những lợi ích của tập thể dục chỉ xuất hiện khi người bệnh tập luyện đúng phương pháp. Do đó, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ, chuyên viên vật lý trị liệu, tránh những động tác gây đau, tránh tập luyện quá sức... Nếu cảm thấy hơi khó chịu sau khi tập luyện, người bệnh có thể chườm lạnh hoặc sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn. Trường hợp cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc không biến mất, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
Phi Hồng