Câu chuyện "Bác sĩ lương thấp, thu nhập cao" đang gây nên những tranh luận trái chiều. Với tôi, nói lương bác sĩ thấp ở đây là phải so sánh giữa thời gian, công sức, tiền bạc mà người ta phải bỏ ra cho sáu năm học Y, nhưng khi ra trường lại chỉ nhận lương khởi điểm bằng với người học bốn năm ngành khác. Bao nhiêu đó đủ thấy mức đãi ngộ cho y bác sĩ công lập hiện nay quá thấp rồi.
Một ca mổ khó ở bệnh viện công hiện nay cũng chỉ tính theo khung giá của nhà nước, tức là vài trăm nghìn đồng cho mấy tiếng đứng mổ mệt rã rời, chứ chẳng phải 5-7 triệu đồng như nhiều người vẫn nghĩ. Cứ đi hỏi thu nhập của tất cả các bác sĩ làm tại bệnh viện công ở trong nước, chẳng ai đụng tới con số 100 triệu đồng, bất chấp trình độ cao tới đâu. Mức thu nhập ấy may ra chỉ có với những người làm ở bệnh viện tư.
Đặt vào bối cảnh như vậy, khi các bác sĩ giỏi cứ lũ lượt ra bệnh viện tư làm việc hết (để được mức lương xứng đáng), đồng nghĩa bệnh viện công sẽ thiếu nhân tài. Điều này cũng kéo theo một hệ lụy là các sinh viên Y khoa mới ra trường khó được nâng cao tay nghề. Trong khi đó, các bệnh viện tư vốn thu hút nhiều bác sĩ giỏi nhưng gần như ít khi xử lý các ca bệnh khó, nên vô tình khiến bác sĩ giỏi bị thui chột, lãng phí tài năng.
Hiện nay, chi phí y tế ở Việt Nam rất thấp nhưng người bệnh vẫn được điều trị bởi những bác sĩ có trình độ chẳng thua kém với các bác sĩ nổi tiếng trên thế giới, chính là nhờ những người giỏi cố bám trụ lại bệnh viện công với đồng lương còm cõi. Nếu giờ họ cũng đi theo tiếng gọi của đồng tiền, thì lúc đó y tế công sẽ không còn tốt và rẻ như thế này nữa đâu.
>> Lương bác sĩ mới ra trường không nổi hai triệu đồng
Quay trở lại câu chuyện học Y, đâu phải chỉ học phí là tốn kém, tiền sách vở tham khảo cũng ngốn của người học cả bộn tiền. Rồi học xong sáu năm vất vả, khi ra trường, họ lại phải làm việc với đồng lương ít ỏi. Để nâng cao tay nghề, họ bắt buộc phải học thêm, trong khi đâu phải bệnh viện công nào cung cấp kinh phí cho bác sĩ đi học. Ai được bệnh viện sắp xếp cho đi học tự túc đã là cả một may mắn rồi vì đâu cũng thiếu nhân lực. Thế là họ phải "nướng" hết số tiền dành dụm và gia đình phải trợ cấp thêm để học lên cao.
Sau năm năm bươn chải, bác sĩ giỏi mới có thể bắt đầu mở phòng mạch, làm thêm cho phòng khám ngoài giờ làm. Họ bán sức khỏe để kiếm tiền duy trì cuộc sống chứ chưa dám mơ làm giàu. Thử hỏi gia đình nghèo nào có khả năng nuôi con ăn học và hỗ trợ sinh hoạt cả chục năm như vậy?
Bất kể ngành nghề nào mà bắt người lao động phải làm việc đến kiệt sức thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý thì cho dù có đãi ngộ, lương thưởng tốt, họ vẫn nghỉ. Huống hồ ngành Y còn chẳng có đãi ngộ xứng đáng cho y bác sĩ. Chưa kể, họ phải tiếp xúc với dịch bệnh nguy hiểm, thấy bệnh nhân nặng và chết số lượng lớn mỗi ngày cũng là một cú sốc về tâm lý với nhiều bác sĩ, khiến họ ngày càng đuối sức hơn.
Nói thẳng ra, với trình độ và khả năng của bác sĩ thì không làm nghề Y họ cũng chẳng chết đói được. Nhưng ngành Y tế và người dân sẽ mất đi những bác sĩ giỏi mà vốn chẳng dễ dàng gì đào tạo ra. Xin đừng nói theo kiểu "thấy lương thấp thì chuyển ngành khác mà làm".
Ở đây, kêu than cho y bác sĩ để thấy rằng không phải họ cứ im lặng là nghĩ lương đủ sống, chẳng cần tăng phúc lợi này kia. Nếu cứ tiếp tục bỏ mặc như bây giờ, đến khi bác sĩ chịu hết nổi, bỏ nghề đồng loạt thì đừng trách người ta không yêu nghề.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.