Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, hút thuốc lá chiếm 9% tổng số ca tử vong toàn cầu giai đoạn 2000-2025. Khói thuốc chứa trên 7.000 hóa chất, trong đó ít nhất 250 độc chất và 70 chất gây ung thư. Chúng tổn hại hầu hết cơ quan trong cơ thể như hệ hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, sinh dục... Các chất này là nguyên nhân gây nhiều bệnh mạn tính, liên quan mật thiết bệnh lý ung thư. Khói thuốc còn tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm tấn công, dẫn đến biến chứng nặng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân - Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC - liệt kê ba nhóm bệnh truyền nhiễm người hút thuốc lá dễ mắc.
Cúm và phế cầu
Cúm và phế cầu là hai bệnh truyền nhiễm đường hô hấp phổ biến. Bệnh dễ gây biến chứng nghiêm trọng, nhất là trường hợp có hệ miễn dịch suy yếu như trẻ em, người cao tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người hút thuốc lá. Bác sĩ Luân nhấn mạnh, hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ mắc và diễn biến nặng hai bệnh này.
Khói thuốc lá chứa hàng nghìn chất độc hại, gây tổn thương trực tiếp niêm mạc đường hô hấp, tê liệt các lông mao có chức năng quét sạch bụi bẩn, vi sinh vật. Hút thuốc còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch tại chỗ, giảm khả năng sản xuất kháng thể, giảm tế bào miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.
Những thay đổi trên tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm, vi khuẩn phế cầu xâm nhập. Virus phát triển trong đường hô hấp hình thành viêm nhiễm cùng một số biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp.
Các nghiên cứu tại Mỹ hồi 2016, 2019 chỉ ra hút thuốc lá tăng năm lần nguy cơ mắc bệnh và gấp đôi khả năng nhập viện khi mắc cúm. Theo nghiên cứu tại Australia năm 2011 cho thấy người hút thuốc dễ mắc viêm phổi do phế cầu cao gấp 3,7 lần so với người không hút.
Viêm gan
Viêm gan siêu vi B, C là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan và ung thư gan nếu không điều trị kịp thời. Báo cáo WHO công bố vào tháng 4, tổng hợp dữ liệu từ 187 quốc gia ước tính số ca tử vong do viêm gan siêu vi tăng từ 1,1 triệu người (năm 2019) lên 1,3 triệu người (năm 2022). Trong đó, 83% do viêm gan B và 17% do viêm gan C.
Theo bác sĩ Luân, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý gan, đẩy nhanh tiến trình tổn thương gan ở người đã nhiễm virus viêm gan B, C. Cụ thể, người hút thuốc bị viêm gan B, C có tốc độ xơ hóa gan nhanh và nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan cao hơn so với người không hút. Bên cạnh đó, thuốc lá làm giảm khả năng đáp ứng với thuốc kháng virus, khiến việc điều trị khó khăn, kéo dài hơn.
Một phân tích tổng hợp gồm 96 nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá tăng nguy cơ ung thư gan lên 51%. Thậm chí người hút và đã cai, nguy cơ bị ung thư gan vẫn ở mức 12%, từ đó cho thấy tác hại lâu dài của thói quen này.
HPV
HPV là virus gây u nhú, lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, từ mẹ sang con và qua dụng cụ y khoa, vật dụng chứa chất tiết của người bệnh. Ước tính 80% nam giới và 90% nữ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. HPV còn là tác nhân của mụn cóc sinh dục và các loại ung thư ở cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, ung thư vùng đầu, cổ.
Một số nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra thói quen hút thuốc lá làm giảm các phản ứng miễn dịch. Khi nhiễm bệnh, cơ thể sẽ đào thải virus kém hơn. Một nghiên cứu tại Trung Quốc chỉ ra hút thuốc tăng khả năng nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao, trong đó có HPV 16 là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung ở nữ.
10 năm gần đây, thuốc lá và HPV là hai nguyên nhân hàng đầu khiến số ca ung thư vùng đầu cổ tăng cao. Các bệnh này chủ yếu gồm ung thư vòm họng, ung thư tế bào vảy ở khoang miệng, họng miệng... Tải lượng HPV nhiễm tại vùng đầu cổ ở người hút thuốc lá cũng cao hơn người không hút. WHO khuyến cáo bỏ thuốc lá và tiêm ngừa là biện pháp hàng đầu phòng ngừa HPV.
Bác sĩ Luân cho biết các tác nhân truyền nhiễm như cúm, phế cầu, viêm gan B, HPV đã có vaccine tại Việt Nam. "Vaccine không có vai trò cải thiện tác hại của thuốc lá lên gan và phổi người hút nhưng giúp cơ thể có miễn dịch đặc hiệu với tác nhân trên, giảm nguy cơ mắc và diễn tiến nặng", bác sĩ nói.
Hiện vaccine cúm tiêm cho trẻ từ sáu tháng tuổi, tiêm nhắc hàng năm sau phác đồ cơ bản. Vaccine phế cầu tiêm cho trẻ từ hai tháng tuổi, sớm nhất là 6 tuần tuổi.
Vaccine viêm gan B được tiêm cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh, phòng bệnh lây truyền từ mẹ sang con. Tiếp đó, trẻ cần tiêm các mũi tiếp theo lúc 2-3-4 tháng tuổi. Trẻ lớn và người lớn nếu chưa tiêm ngừa, chưa nhiễm bệnh và chưa có kháng thể cũng cần bổ sung các mũi viêm gan B. Vaccine HPV đã có loại cho trẻ và người lớn từ 9-45 tuổi, áp dụng cả nam và nữ.
"Giảm dần và bỏ hẳn thuốc lá là cách bảo vệ bản thân đồng thời tốt cho sức khỏe của gia đình, cộng đồng, phòng tránh các nguy cơ do hút thuốc lá thụ động", bác sĩ Luân nói thêm.
Nhật Linh