Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết công dụng của máy tạo ẩm như giảm các triệu chứng hô hấp, xoang, dịu da khô nứt nẻ chỉ phát huy khi vệ sinh máy đúng cách và thường xuyên. Nếu để thiết bị bẩn, các loại vi trùng, vi khuẩn có thể ẩn náu trong các ngóc ngách, phát tán vào không khí. Dưới đây là một số nguy cơ gây bệnh do máy tạo độ ẩm không được vệ sinh thường xuyên.
Nhiễm trùng phổi
Theo thông tin của Bệnh viện Nhi đồng Colorado, Mỹ, máy tạo độ ẩm phun sương tạo ra sương mát với tần số rung cao. Trong quá trình này, nếu máy không được vệ sinh sạch sẽ có thể tạo khí dung khiến những tác nhân như nấm mốc và vi khuẩn đi trực tiếp vào phổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, phổi hít phải không khí bị ô nhiễm có chứa vi khuẩn như legionella có thể gây nhiễm trùng phổi nghiêm trọng như bệnh Legionnaires. Bác sĩ Hồng Thắm cho biết thêm những người mắc bệnh Legionnaire có thể bị ho, khó thở, sốt, đau cơ và đau đầu.
Tương tự, pseudomonas, một loại vi khuẩn nguy hiểm khác, có thể phát triển trong máy tạo độ ẩm không được vệ sinh thường xuyên và lây nhiễm qua những hạt phun sương nhỏ. Theo CDC Mỹ, loại phổ biến nhất là pseudomonas aeruginosa có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi như viêm phổi. Bác sĩ Hồng Thắm cho rằng một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng phổi cao hơn như người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và người mắc các bệnh phổi mạn tính.
Theo Mayo Clinic, khói sương ô nhiễm do máy tạo độ ẩm bẩn tạo ra cũng có thể gây nhiễm trùng phổi và các triệu chứng giống như cúm ở những người khỏe mạnh.
Ngoài ra, máy tạo độ ẩm cũng giải phóng các khoáng chất vào không khí. Khi những khoáng chất này lơ lửng trong không khí có thể gây ra các vấn đề về phổi, theo Bệnh viện Nhi đồng Colorado.

Vệ sinh máy tạo ẩm thường xuyên giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh hô hấp như nấm mốc, vi khuẩn, mạt bụi... Ảnh: Freepik
Làm trầm trọng các vấn đề hô hấp mạn tính
Sương mù ô nhiễm từ thiết bị này không được vệ sinh sạch có nhiều khả năng gây nhiễm trùng ở những người bệnh phổi tiềm ẩn. Chúng cũng có thể gây ra các vấn đề về hô hấp khác cho người mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn.
Các mạt bụi phát triển mạnh khi độ ẩm cao, cũng có thể làm giảm khả năng hít thở của một người. Theo Viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Mỹ (AAAAI), khi dùng máy tạo độ ẩm thường xuyên, môi trường không khí sẽ trở nên ẩm ướt, tạo điều kiện cho cho bọ ve trong bụi sinh sôi.
Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA) cảnh báo, với người mắc bệnh hen suyễn, bọ ve trong bụi thường có xu hướng làm triệu chứng trở nặng. Các triệu chứng bao gồm hắt hơi dai dẳng, ho, nghẹt mũi, thậm chí lên cơn hen suyễn nghiêm trọng.
Tăng các triệu chứng dị ứng
Khi phổi hít các chất sinh học, hệ thống miễn dịch sẽ tiếp nhận. Ở những người bị dị ứng như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, độ ẩm tăng thúc đẩy sự phát triển của các chất gây dị ứng phổ biến như bào tử nấm mốc và mạt bụi, có thể kích hoạt phản ứng dị ứng.
Theo bác sĩ Hồng Thắm, khi được thải vào không khí, những vi sinh vật có hại này có thể gây kích ứng xoang mạnh hơn. Bác sĩ cũng khuyến cáo nên vệ sinh máy tạo ẩm ba ngày một lần để loại bỏ cặn bẩn có thể tích tụ trong bình chứa hoặc các bộ phận khác. Những người không có thời gian nên cọ rửa máy tạo độ ẩm tối thiểu mỗi tuần một lần.
Các hướng dẫn làm sạch máy tạo độ ẩm sẽ khác nhau tùy nhà sản xuất. Bệnh viện Nhi đồng Colorado đưa ra các khuyến nghị chung cho hầu hết các máy tạo độ ẩm mà không làm hỏng thiết bị. Đầu tiên, rút phích cắm của thiết bị, sau đó đổ giấm trắng chưng cất vào đầy bình. Đợi trong 20 phút và sử dụng bàn chải đánh răng để chà các ngóc ngách bên trong và sửa lại bằng nước sạch. Nếu nhận thấy cặn bẩn khó loại bỏ trên máy thì nên mua một chiếc mới thay thế.
Bảo Bảo