Khi màng bao khớp không tạo ra đủ chất nhờn để bôi trơn sẽ xuất hiện các vấn đề như khô cứng khớp, phát ra tiếng lạo xạo khi cử động khớp... Nếu không được điều trị kịp thời, về lâu dài, khô khớp không chỉ gây đau mà còn có thể làm tổn thương sụn khớp, khó đi lại, thậm chí là dẫn đến liệt.
Để bổ sung chất nhờn cho khớp, ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho hay người bệnh nên lưu ý 3 vấn đề sau:
Dinh dưỡng đầy đủ
Những loại thức ăn khác nhau sẽ được chuyển hóa thành những chất dinh dưỡng khác nhau, phục vụ cho hoạt động sống của cơ thể cũng như hình thành nên chất nhờn cho khớp. Vì vậy, để tăng tiết chất nhờn, giảm tình trạng khô khớp, người bệnh nên thực hiện thói quen ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, dinh dưỡng hợp lý còn giúp kiểm soát tốt cân nặng, làm giảm áp lực tác động lên khớp. Từ đó hạn chế tổn thương sụn khớp, màng hoạt dịch và các tổ chức mô mềm quanh khớp, có lợi cho quá trình điều tiết dịch nhờn.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bệnh cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời, nên chú trọng các loại thực phẩm có lợi cho xương khớp, chứa nhiều chất béo omega 3, chất xơ, vitamin, canxi, magie như tôm, cua, cá, ngũ cốc, các loại hạt, rau củ, trái cây, sữa và các chế phẩm từ sữa...
Vận động thường xuyên
Vận động thường xuyên, nhẹ nhàng ở cường độ thích hợp không chỉ không gây đau khớp mà còn giúp cho hoạt động tuần hoàn và lưu thông máu diễn ra tốt hơn. Khi mạch máu tại các khớp được lưu thông tốt sẽ hỗ trợ quá trình tái tạo sụn khớp và tăng tiết dịch tự nhiên. Ngoài ra, vận động đúng cách còn giúp tăng sự dẻo dai cho xương khớp, ngăn ngừa sự bào mòn và thoái hóa ở sụn khớp, hỗ trợ cải thiện khô khớp hiệu quả.
Một số môn thể thao phù hợp với người bệnh khô khớp, hỗ trợ quá trình tiết chất nhờn cho khớp như đạp xe, yoga, đi bộ... Người bệnh cần lưu ý tập luyện vừa sức, mang các dụng cụ bảo vệ thích hợp, uống đủ nước...
Trong sinh hoạt hàng ngày cần tránh các tư thế ảnh hưởng xấu đến khớp như ngồi gập gối thường xuyên, ngồi xổm, khiêng vác đồ nặng nhiều, bẻ các ngón tay kêu răng rắc...
Tiêm axit hyaluronic
Axit hyaluronic là một thành phần trong dịch khớp, có tính nhớt và độ đàn hồi tùy theo lực tác động, chịu trách nhiệm bôi trơn, bảo vệ khớp. Đối với những người bệnh khô khớp, bác sĩ sẽ đề nghị tiêm axit hyaluronic để cải thiện tình trạng này. Sau khi được tiêm vào khớp, axit hyaluronic giảm ma sát giữa những đầu xương khi chuyển động, từ đó giúp khớp hoạt động trơn tru và giảm đau, phục hồi dần các chức năng của khớp.
Ngoài ra, dù axit hyaluronic chỉ tồn tại trong khoảng một tuần nhưng chất này kích thích các màng bao khớp tiết ra chất nhờn tự nhiên, do đó, có thể duy trì hiệu quả lên đến 6 tháng. Sau khoảng thời gian này, nếu tình trạng khô khớp không được cải thiện, người bệnh có thể tiếp tục tiêm thêm một liệu trình axit hyaluronic nữa.
Theo bác sĩ Anh Vũ tiêm chất nhờn hyaluronic vào khớp gối là phương pháp khá an toàn. Tuy nhiên, thủ thuật này cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa xương khớp có kinh nghiệm. Vì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng dễ gây nhiễm trùng khớp, thậm chí là dính khớp và teo cơ.
Khô khớp là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nếu các biện pháp thay đổi lối sống không phát huy hiệu quả như mong đợi, người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ để được lên phác đồ điều trị phù hợp.
Phi Hồng