Hen suyễn là bệnh hô hấp mãn tính thường gặp ở trẻ em. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, trẻ sẽ trở nên khò khè, ho và khó thở. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), khoảng 300 triệu người đang mắc bệnh hen phế quản trên phạm vi toàn cầu. Mới đây, một nghiên cứu đăng tải trên Science Daily (Anh) đã cho thấy tín hiệu khả quan của việc ngăn ngừa bệnh hen suyễn khởi phát.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ 4.543 trẻ nhỏ được sinh trong thập niên 90 và tiến hành theo dõi chúng từ giai đoạn đầu đời đến khi trưởng thành. Trong chế độ ăn uống, các nhà khoa học đã cho nhóm trẻ hấp thụ hai loại axit béo omega-3 chuỗi dài gồm axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) từ lúc 7 tuổi. Sau đó, theo dõi tỷ lệ các trường hợp mới mắc bệnh hen suyễn trong những năm từ 11-14 tuổi.
Kết quả cho thấy khoảng một nửa số trẻ em trong nghiên cứu mang một biến thể gọi là axit béo desaturase. Khi phân tích biến thể này, các nhà khoa học nhận thấy những trẻ ăn tương đương 2 khẩu phần cá sẽ giảm 51% nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn so với những trẻ hiếm khi ăn cá.
Theo các nhà khoa học, axit béo desaturase là một loại enzyme chuyển đổi các omega-3 khác thành EPA và DHA. Hai hoạt chất này được biết là nhóm có đặc tính chống viêm. Do đó, chế độ ăn nhiều axit béo omega-3 sẽ bổ trợ cho cơ thể và giúp ngăn ngừa bệnh hen suyễn bằng cách giảm viêm đường thở.
Lưu ý khi bổ sung axit béo omega-3
Trẻ em cần omega-3 để tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Ngoài lợi ích ngăn ngừa bệnh hen suyễn, một số bằng chứng cho thấy omega-3 có thể giúp trẻ tránh dị ứng, cải thiện giấc ngủ, hiệu suất học tập và giảm nhẹ các triệu chứng ADHD. Tuy nhiên, theo Viện Y học Mỹ (IOM) khuyến nghị các cha mẹ nên bổ sung hàm lượng này vừa phải và theo độ tuổi của trẻ, cụ thể:
Trẻ sơ sinh đến 12 tháng tuổi: 0,5g ALA
Trẻ từ 1 - 3 tuổi: 0,7g ALA
Trẻ từ 4 - 8 tuổi: 0,9g ALA
Từ 9 - 13 tuổi: trẻ nam 1,2g và trẻ nữ 1g ALA
Từ 14 - 18 tuổi: nam 1,6g và nữ 1,1g ALA
Alpha-linolenic acid (ALA) là axit béo omega-3 phổ biến nhất và rất cần bổ sung trong chế độ ăn uống. ALA trong cơ thể chủ yếu được chuyển hóa thành năng lượng. Ngoài ra, ALA cũng có thể được chuyển đổi thành các dạng hoạt tính sinh học khác của omega-3 là EPA và DHA.
Huyền My (Medical News Today, Science Daily)