Trả lời:
Tôm, tép và một số loại hải sản là những nguồn thực phẩm rất dồi dào chất đạm, trong khi lượng calo, chất béo ít. Trung bình trong 100 gram tôm đồng sống có năng lượng: 90 kcal, 18,4g protein, 1,8 g chất béo, 1.120 mg canxi, 2,2 mg sắt, 150 mg phospho, 316 mg kali, 58,8 mg selen, 15 mcg vitamin A, 418 mg natri; trong đó có khoảng 20-40% protein và canxi có trong vỏ tôm, tôm. Chính vì vậy, tôm và nhiều loại hải sản là nguồn thực phẩm tốt để duy trì và phục hồi sức khỏe, đặc biệt ở người bị ốm, mệt mỏi, suy nhược.
Nhiều người cho rằng ăn tôm, tép, cua và thực phẩm có mùi tanh nói chung sẽ gây ho, người đang bị ho mà ăn những thực phẩm này sẽ càng ho nhiều hơn. Thực tế, đúng là trong một số trường hợp vỏ của tôm, tép có thể bám vào niêm mạc họng, kích thích gây cơn ho, nhưng thông thường đây chỉ là cơn ho tạm thời và sẽ hết khi vỏ tôm tép được nuốt xuống dạ dày. Nếu bỏ vỏ tôm khi ăn thì sẽ loại bỏ được nguy cơ này.
Mặt khác, những người có cơ địa dị ứng thực phẩm thì ăn tôm tép, hải sản cũng sẽ gây phản ứng ho, ngứa, đau họng, khàn giọng. Tác nhân gây dị ứng phổ biến nhất trong tôm là tropomyosin, là loại protein có trong động vật có vỏ, ngoài ra còn có các protein khác gây dị ứng như arginine kinase và hemocyanin. Những người dị ứng với hải sản nên tuyệt đối tránh nhóm thực phẩm này.
Như vậy, trừ trường hợp bạn bị dị ứng với hải sản, bạn vẫn có thể ăn tôm bình thường. Nếu chỉ vì cho rằng ăn tôm gây ho mà loại bỏ thực phẩm này khỏi chế độ ăn sẽ rất lãng phí, bởi đây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Người đang bị ho, sốt, ốm mệt thì càng không nên bỏ qua tôm, cá vì dễ ăn, dễ tiêu, giàu đạm, omega-3 giúp kháng viêm và hồi phục sức khỏe. Để giảm khả năng vỏ tôm gây kích thích niêm mạc họng, khi ăn, bạn nên bỏ vỏ và càng tôm, với trẻ nhỏ có thể băm nhuyễn hoặc xay nhỏ thịt tôm để nấu thành cháo, súp. Để đảm bảo tôm giữ được tối đa chất dinh dưỡng, bạn nên hấp, luộc hoặc áp chảo tôm.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thanh
Trưởng khoa Dinh Dưỡng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội