Muối (natri clorua) không chỉ mang lại hương vị đậm đà cho món ăn mà còn giúp cơ thể thực hiện các chức năng quan trọng như giữ cân bằng nước, đảm bảo thăng bằng kiềm toan (axit và base) duy trì điện thế tế bào và dẫn truyền xung động thần kinh. Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe như tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ, loãng xương, suy giảm chức năng gan và thận.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Thùy, Trung tâm Nội soi và phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lượng muối nạp vào cơ thể quá mức cản trở đào thải độc tố ra ngoài, tình trạng này kéo dài có thể làm suy giảm chức năng gan và thận. Ăn mặn dễ dẫn đến béo phì, gan nhiễm mỡ do tăng cảm giác khát nước khiến nhu cầu tiêu thụ các loại đồ uống, nhất là nước ngọt cao hơn.
Dư thừa muối còn khiến cơ thể giữ nước, từ đó tim phải làm việc nhiều hơn, dễ suy tim. Bệnh nhân xơ gan đã bị phù nề nếu ăn nhiều muối có thể biến chứng nặng hơn. Cần hạn chế gia vị này trong chế độ ăn uống, thậm chí cả từ thực phẩm tự nhiên có hàm lượng muối cao để giảm phù, giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, đột quỵ.
Người ăn quá mặn thường có nguy cơ mắc các bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày, cao hơn người ăn uống bình thường. Nguyên nhân do lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá hủy và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Nguy cơ này càng cao nếu người bệnh có thói quen ăn mặn kết hợp chua cay.
Bác sĩ Thùy lưu ý mọi người kiểm soát lượng muối tiêu thụ an toàn. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe của mỗi người mà có định lượng muối phù hợp. Lượng muối tiêu chuẩn với người trưởng thành khỏe mạnh là 5 g một ngày, tương đương khoảng một muỗng cà phê muối. Trẻ nhỏ và người có bệnh gan, thận, tim mạch chỉ nên dùng khoảng 2-3 g muối mỗi ngày.
Muối có thể có trong nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn muối được dùng khi nấu ăn, thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền... Để đảm bảo chế độ ăn ít muối, nên có thói quen đọc nhãn thực phẩm trước khi sử dụng. Hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn, thay vào đó ưu tiên thực phẩm tươi sống như rau xanh, trái cây, thịt cá. Chế biến theo kiểu hấp luộc tốt hơn kho, rim để giảm lượng muối và gia vị nêm nếm trong mỗi bữa. Tập thói quen hạn chế nước chấm.
Bác sĩ Minh Thùy khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ để phát hiện nhiều bệnh sớm, điều trị tích cực, tránh nguy cơ phát sinh biến chứng.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |