Trả lời:
Người bệnh viêm họng hạt cần ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng và uống đủ nước. Các thực phẩm nên được chế biến ở dạng mềm như canh, súp, món hầm... giúp dễ ăn, dễ nuốt. Để cơ thể nhanh chóng phục hồi, người bệnh cũng có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn:
Thực phẩm giàu vitamin: Vitamin A, C, E là các loại vitamin rất cần thiết đối với người mắc bệnh viêm họng hạt. Trong khi, vitamin C giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống chọi với vi khuẩn thì vitamin A, E có vai trò tái tạo và làm lành tổn thương.
Thực phẩm giàu protein: Các thực phẩm giàu protein ở dạng mềm như thịt băm, trứng, sữa, cá hồi... là nguồn năng lượng dồi dào và giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, từ đó, loại bỏ các tác nhân xâm nhập dễ dàng hơn.
Thức ăn giàu kẽm: Kẽm là vi chất không thể thiếu trong hoạt động của hệ miễn dịch. Thiếu hụt kẽm làm giảm quá trình sản sinh, phát triển và chức năng của hầu hết tế bào miễn dịch. Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu kẽm như ngao, sò, củ cải trắng, nấm, rau chân vịt, súp lơ xanh, cải xoăn... vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Thực phẩm có tính kháng viêm: Một số thực phẩm, gia vị có khả năng kháng khuẩn, chống viêm như gừng, tỏi, mật ong, bạc hà, tía tô, hành, hẹ... rất hữu ích cho người bị viêm họng hạt. Thêm một lượng vừa phải các gia vị này vào món ăn không những giúp tăng hương vị mà còn giảm ho và ức chế hoạt động của vi khuẩn.

Các loại rau củ quả, chất béo lành mạnh tốt cho người bệnh viêm họng hạt. Ảnh: Freepik
Người bệnh cần hạn chế các loại đồ ăn, thức uống như sau:
Thức ăn khô cứng: Đồ ăn khô cứng và có nhiều góc cạnh như bánh mì, hạt dẻ, lương khô... có thể gây khó nuốt, làm khởi phát các cơn ho và khiến triệu chứng của bệnh nặng hơn.
Thức ăn cay, chua, nóng: Những loại thức ăn nhiều gia vị, cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt, đồ ăn nhiều axit... không chỉ gây kích thích niêm mạc họng mà còn gây hại cho đường tiêu hóa, dễ gây trào ngược họng thanh quản.
Thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ: Những thực phẩm này không chỉ gây khó tiêu, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn gây giảm đề kháng và khiến tình trạng viêm họng thêm trầm trọng.
Đồ ăn tái, sống: Người bị viêm họng hạt nên ăn các thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn, không nên ăn đồ tươi sống hoặc chế biến tái như gỏi, sashimi, nem chua, nộm... vì chúng thường chứa nhiều vi khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Thực phẩm chứa arginine: Các loại thực phẩm chứa arginine như lúa mì, hạnh nhân, chocolate, nho, bơ đậu phộng... có thể khiến quá trình phát triển, nhân lên của virus, vi khuẩn diễn ra nhanh chóng hơn. Vì bản chất nó là một loại axit amin có vai trò tổng hợp protein và nitơ trong hầu hết các sinh vật sống.
Rượu bia, cà phê, đồ uống có ga: Các loại đồ uống này có thể gây mất nước, tăng thân nhiệt và kích thích niêm mạc cổ họng. Điều này làm nặng thêm các triệu chứng và khiến thể trạng người bệnh mệt mỏi, suy yếu.
Để giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm họng hạt, ngoài chế độ ăn uống, người bệnh cần giữ ấm cổ họng, mũi, miệng, nhất là trong mùa lạnh; uống nhiều nước lọc để cổ họng đủ độ ẩm; vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tập thói quen súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày; không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu. Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người giúp phòng tránh nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn... Người bệnh nên thăm khám tai mũi họng định kỳ để phát hiện sớm các tình trạng bất thường và tầm soát ung thư vòm mũi họng.
ThS.BS Dương Đình Lương
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội