Lượng đường trong máu cao là đặc trưng của bệnh tiểu đường, nếu kéo dài có thể dẫn đến bệnh tim, thận và thần kinh. Đường huyết cao cũng có thể xảy ở người không bị bệnh tiểu đường. Ăn một số thực phẩm dưới đây hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu.
Bông cải xanh
Theo nghiên cứu năm 2019 của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, bông cải xanh có sulforaphane (hợp chất chứa lưu huỳnh) giúp giảm lượng đường trong máu. Tế bào gan sản xuất ceramide có thể gây kháng insulin. Sulforaphane có tác dụng ngăn một loại enzyme liên quan quá trình tổng hợp ceramide, dẫn đến giảm nồng độ chất này, từ đó giảm kháng insulin. Khi độ nhạy insulin tăng lên, cơ thể giải phóng hormone này tốt hơn để hạ đường huyết.
Đậu
Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Bang Iowa, Mỹ và một số đơn vị, trên 20 người, chỉ ra chất xơ hòa tan và tinh bột kháng trong các loại đậu được tiêu hóa chậm, tăng cảm giác no, ngăn đường huyết tăng đột biến sau ăn. Tiêu thụ nửa cốc (175 g) đậu đen hoặc đậu xanh nấu chín giúp ổn định nồng độ đường huyết sau ăn 60, 90 và 120 phút.
Hạt
Nghiên cứu năm 2014 của Đại học Toronto, Canada, trên 450 người, cho thấy chất béo lành mạnh trong hạnh nhân, quả óc chó cải thiện kiểm soát đường huyết. Do chúng kích thích giải phóng insulin từ tế bào tuyến tụy nhằm đáp ứng với tình trạng tăng đường huyết và vận chuyển glucose vào cơ.
Người bệnh tiểu đường ăn một khẩu phần (28-56 g) hạnh nhân hoặc quả óc chó mỗi ngày trong 8 tuần hạ thấp đường huyết lúc đói và mức A1C (đường huyết trung bình trong ba tháng).
Nghiên cứu năm 2019 của Đại học Khoa học Y khoa Urmia, Iran, trên 57 người bệnh tiểu đường type 2, cho thấy tiêu thụ 30 g hạt lanh cùng sữa chua hàng ngày trong 8 tuần làm giảm mức A1C. Hạt còn cung cấp magie có tác dụng điều chỉnh khả năng hấp thu glucose từ máu của insulin.
Trái cây họ cam quýt
Cam quýt chứa đường nhưng không làm tăng đường huyết nhiều vì nhiều chất xơ trong vỏ và cùi. Đường fructose trong trái cây họ cam quýt cũng có tác dụng cải thiện quá trình chuyển hóa glucose, tăng hấp thu glucose của tế bào gan và giảm lượng đường trong máu sau ăn.
Theo nghiên cứu năm 2019 của Đại học Brock, Mỹ, bưởi chứa naringenin có tác dụng chống oxy hóa, điều hòa enzyme, giảm viêm và căng thẳng oxy hóa - yếu tố tác động tiêu cực đến điều chỉnh đường huyết và kháng insulin.
Quả bơ
Bơ giàu axit béo không bão hòa đơn, magie có lợi ích trong cải thiện độ nhạy insulin và hấp thu glucose từ máu làm giảm đường huyết.
Theo nghiên cứu năm 2018 của Viện Công nghệ Illinois, Mỹ, 31 người thừa cân, béo phì kết hợp ăn một nửa hoặc cả quả bơ vào bữa ăn ngăn đường huyết tăng đột biến và giảm nồng độ đường trong máu suốt sáu giờ sau ăn.
Trứng
Trứng chứa axit béo không bão hòa đa, khoáng chất, vitamin, giúp giảm viêm và làm chậm quá trình chuyển hóa glucose.
Nghiên cứu công bố năm 2018 của Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc, trên hơn 7.000 người (theo dõi 14 năm), cho thấy tiêu thụ hai quả trứng mỗi ngày trong 12 tuần giảm đường huyết lúc đói và giảm 40% nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
Cá béo
Tiêu thụ cá béo có thể giảm viêm thông qua tác dụng có lợi của axit béo omega-3. Giảm viêm và căng thẳng oxy hóa ngăn ngừa mất ổn định đường huyết và kháng insulin.
Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Bergen, Na Uy, 76 người tiêu thụ 150 g cá hồi trong 8 tuần giảm lượng đường trong máu. Hàm lượng chất béo lành mạnh trong cá béo tăng cường độ nhạy insulin sau ăn, tăng giải phóng hormone này hấp thu glucose để ổn định đường huyết.
Thức ăn lên men
Dưa muối, kim chi, rong biển lên men có thể điều chỉnh lượng đường trong máu nhờ tác dụng có lợi của men vi sinh. Lợi khuẩn hỗ trợ cân bằng hoạt động của hệ vi sinh vật trong ruột.
Theo nghiên cứu năm 2013 của Đại học Y Ajou, Hàn Quốc, 21 người tiền tiểu đường tiêu thụ kim chi trong 8 tuần giảm kháng insulin và cải thiện độ nhạy của hormone này. Ăn kim chi cũng làm giảm mức A1C ở bệnh nhân tiểu đường.
Sữa chua
Theo nghiên cứu năm 2015 của Đại học Tabriz, Iran, 60 người bệnh tiểu đường tiêu thụ 600 ml sữa chua hoặc sữa lên men mỗi ngày trong 8 tuần giảm mức A1C. Do lợi khuẩn có tác dụng giảm viêm và căng thẳng oxy hóa, ngăn ngừa kháng insulin và tạo ra các hợp chất polypeptide giúp tăng hấp thu glucose vào cơ bắp.
Nghiên cứu năm 2018 của Đại học Y St. Marianna, Nhật Bản, cho thấy 32 người tiêu thụ 150 g sữa chua hàng ngày trong 4 tuần hạ thấp đường huyết sau ăn và tăng phản ứng insulin.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |