Quả óc chó giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và polyphenol, nhất là axit béo omega-3, là chất béo không bão hòa đa có lợi trong giảm viêm, sức khỏe tim mạch, sức khỏe não bộ, tốt cho người mắc bệnh tiểu đường, ung thư.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một khẩu phần quả óc chó (khoảng 7 quả nguyên hoặc 14 nửa quả) 28 g chứa 183 calo, 18 g chất béo, gần 4 g carbohydrate, khoảng 2 g chất xơ, hơn 4 g protein.
Dưới đây là lợi ích của quả óc chó với người bệnh tiểu đường.
Hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Quả óc chó chứa ít carbohydrate; nhiều chất béo không bão hòa đa, chất xơ và protein. Ba chất dinh dưỡng này làm tăng cảm giác no, hỗ trợ giảm cân, ngăn lượng đường trong máu tăng quá nhanh sau ăn.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Nghiên cứu công bố năm 2014 của Đại học Quốc gia Singapore, cùng một số đơn vị, trên hơn 138.000 phụ nữ (theo dõi trong hơn 10 năm), cho thấy người ăn hai hoặc nhiều khẩu phần quả óc chó (mỗi khẩu phần 28 g) mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 24% so với người ăn ít hoặc không ăn quả này. Phụ nữ ăn nhiều hạt cũng có xu hướng gầy hơn - yếu tố giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Các nhà nghiên cứu cho rằng kết hợp các loại hạt, gồm cả quả óc chó vào chế độ ăn uống lành mạnh có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Theo nghiên cứu năm 2021 của Đại học Loma Linda, Mỹ và một số đơn vị, trên 700 người, chế độ ăn giàu quả óc chó làm giảm mức cholesterol xấu (LDL). Ăn khoảng nửa cốc hạt quả óc chó sống (30-60 g) mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể lượng cholesterol LDL trong máu. Điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch có khả năng cao xảy ra ở người mắc tiểu đường.
Năm 2018, Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Mỹ và một số đơn vị phân tích 26 nghiên cứu với hơn 1.000 người tham gia bị cholesterol cao, tiểu đường type 2, hội chứng chuyển hóa và thừa cân hoặc béo phì. Kết quả cho thấy tiêu thụ nhiều quả óc chó làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, gồm cholesterol LDL và chất béo trung tính trong máu cao, tăng huyết áp và cân nặng dư.
Các tác giả nghiên cứu nhận thấy mức LDL, chất béo trung tính cũng giảm khi áp dụng chế độ ăn ít chất béo hoặc Địa Trung Hải (chủ yếu gồm rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, dầu ô liu, các loại đậu và hạt).
Người bệnh có thể ăn trực tiếp, làm sữa hoặc dùng hạt quả óc chó xay thêm vào các món nướng, bột yến mạch, sữa chua hoặc sinh tố để bổ sung protein, chất béo lành mạnh và tăng cường dinh dưỡng. Người bị dị ứng với các loại hạt không nên ăn quả óc chó.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |