BS.CKI Huỳnh Văn Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trào ngược dạ dày thực quản là bệnh khá phổ biến, do axit từ dạ dày trào ngược lên phần thực quản, kích thích niêm mạc.
Triệu chứng gồm ợ chua, buồn nôn, đắng miệng, đau họng, ho kéo dài, khàn tiếng, đau tức vùng thượng vị, viêm, loét hoặc hẹp niêm mạc thực quản. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ cân nhắc điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa. Phương pháp phổ biến là điều trị bằng thuốc và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt giúp giảm triệu chứng.
Theo bác sĩ Trung, một số thực phẩm dưới đây giúp ngăn trào ngược axit.
Thực phẩm giàu chất xơ có nhiều trong các loại rau củ, ngũ cốc nguyên hạt như măng tây, súp lơ xanh, đậu xanh, khoai lang, cà rốt, củ cải đường. Nhóm thực phẩm này tạo cảm giác no lâu, tránh ăn nhiều, giảm chứng ợ nóng.
Thực phẩm có tính kiềm như chuối, súp lơ, thì là, quả hạch trung hòa lượng axit trong dạ dày, hạn chế trào ngược.
Thực phẩm chứa nhiều nước như rau cần tây, dưa chuột, rau xà lách, dưa hấu, trà thảo dược làm loãng và giảm axit trong dạ dày. Trường hợp trào ngược gây ợ nóng khó chịu, người bệnh có thể sử dụng một số nước uống nhằm giảm ợ nóng.
Nước chanh: Dùng một lượng nhỏ nước chanh pha với nước ấm và mật ong có tác dụng kiềm hóa, giúp trung hòa axit trong dạ dày. Mật ong có chất chống oxy hóa tự nhiên, bảo vệ sức khỏe của các tế bào.
Sữa tách béo giúp bão hòa axit trong dạ dày, bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm ợ nóng. Sữa chua ít béo có đặc tính làm dịu tương tự như men vi sinh lành mạnh (vi khuẩn tốt) giúp tăng cường tiêu hóa.
Gừng hỗ trợ tiêu hóa, nhất là khi xuất hiện triệu chứng ợ nóng. Gia vị này có tính kiềm tự nhiên, góp phần chống viêm, giảm kích ứng trong đường tiêu hóa.
Giấm táo có tác dụng đối với kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều vì axit mạnh trong dấm có thể kích ứng thực quản. Chỉ nên uống một lượng nhỏ cùng nước ấm và uống trong bữa ăn.
Bên cạnh thực phẩm nên ăn, người bị trào ngược dạ dày cần hạn chế thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, cà phê, bia rượu, nước uống có gas, thực phẩm có vị chua. Chúng khiến dạ dày tiết dịch nhiều, làm việc vất vả hơn.
Một số cách ngăn ngừa trào ngược khác như duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức hợp lý, không ăn quá no, kiêng dùng thức uống có cồn, chia nhỏ bữa ăn, không nằm, tránh tập thể dục, hoạt động mạnh sau khi ăn no.
Bác sĩ Trung cho biết thêm người bệnh nên đi khám nếu ợ nóng hai lần trở lên trong một tuần dù đã thay đổi chế độ ăn uống. Người bệnh có thể được thực hiện xét nghiệm đo nồng độ axit trong thực quản và xem xét tình trạng tổn thương thực quản qua hình ảnh nội soi dạ dày. Bác sĩ đánh giá các nguyên nhân có thể gây trào ngược như thoát vị hoành, u chèn ép cơ vòng thực quản...
Nếu bệnh dai dẳng hoặc tái phát thường xuyên, kháng trị điều trị nội khoa và thay đổi lối sống, bác sĩ chỉ định phẫu thuật.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |