Theo chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cảm cúm xảy ra vào bất kỳ mùa nào trong năm, đỉnh điểm là thời điểm giao mùa. Bệnh dễ lây lan trong cộng đồng. Triệu chứng thường là hắt hơi, sổ mũi, đau họng, cảm giác ớn lạnh, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi toàn thân, buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt...
Ngoài dùng thuốc điều trị, dinh dưỡng hợp lý giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục. Dưới đây là thực phẩm tăng cường sức đề kháng, giảm cảm cúm.
Thực phẩm chứa đạm
Chất đạm (protein) có vai trò quan trọng chống lại bệnh nhiễm trùng. Ăn đủ đạm khi ốm ngăn ngừa teo cơ, giữ cho cơ thể no lâu, thúc đẩy bệnh nhanh khỏi. Thịt cá, tôm, trứng, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa như sữa bột, sữa tươi, sữa chua cung cấp đạm động vật. Đạm có nguồn gốc thực vật gồm đậu, đỗ, đậu phụ.
Rau củ quả giàu vitamin C
Vitamin C là chất chống oxy hóa, giúp chống viêm, chống nhiễm trùng, tăng cường sức đề kháng. Tăng cường ăn rau củ quả chứa nhiều vitamin C giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của bệnh. Trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, ổi, kiwi, dâu tây, xoài, chanh leo. Rau củ tươi nhiều vitamin này gồm súp lơ, cải bắp, cải xoăn, ớt chuông, cần tây.
Thực phẩm nhiều kẽm
Kẽm có nhiều trong tôm, hàu, thịt bò, sò, ngũ cốc, yến mạch... giúp người bệnh cúm chóng phục hồi sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch.
Nước
Triệu chứng cảm cúm như sốt, tiêu chảy, nôn, nặng hơn có thể dẫn đến mất nước và chất điện giải. Nên uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày hoặc nhiều hơn, dùng nước ở nhiệt độ phòng hoặc nước ấm nóng để giảm hắt hơi, sổ mũi, viêm họng.
Gia vị (gừng, tỏi, tía tô)
Tỏi chứa nhiều allicin - kháng sinh thực vật có khả năng chống lại virus cúm. Triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, đau đầu... thường giảm nhẹ ngay sau khi ăn tỏi. Gừng cũng hỗ trợ cơ thể chống lại virus cúm. Người bệnh có thể pha gừng tươi với nước nóng, chanh, mật ong để uống khi lạnh. Một tách trà gừng làm ấm bụng, cơ thể thoải mái hơn. Theo y học cổ truyền, dùng lá tía tô vị cay tính ấm chế biến món ăn rất tốt để cải thiện cảm cúm.
Nên nấu mềm nhừ, dễ tiêu như cháo, súp, sữa, chia nhiều bữa nhỏ (4-6 bữa) để người bệnh dễ hấp thu hơn. Hạn chế thực phẩm thô cứng, khó tiêu, chứa nhiều dầu, mỡ gây đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa như thịt mỡ, đồ chiên rán. Tránh đồ uống chứa cồn, chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
Hoài Phạm
Độc giả thắc mắc về bệnh hô hấp có thể đặt câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.