Khi xương bị gãy, cơ thể sẽ tạo ra một cal xương, mọc lên giữa hai đầu xương gãy để nối hai đoạn xương này lại với nhau. Để quá trình này diễn ra thuận lợi, cơ thể cần các nguyên liệu như đạm, đường, béo để tạo thành những mô liên kết xương.
BS.CKI Đào Thị Yến Thuỷ, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, một người trưởng thành cần 800 - 1.000mg canxi mỗi ngày. Đối với người gãy xương, nhu cầu canxi này có thể tăng lên tùy theo độ tuổi và tình trạng gãy xương cụ thể. Vì vậy, việc kết hợp các loại thực phẩm trên sẽ giúp cơ thể nhận được đủ lượng canxi cần thiết, đồng thời đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và giúp bữa ăn thêm ngon miệng, từ đó đẩy nhanh tốc độ lành xương. Dưới đây là một số dưỡng chất mà người gãy xương nên tăng cường trong quá trình phục hồi:
Protein có nhiều trong thịt, cá, tôm cua, gan, trứng, đậu hũ... Nghiên cứu chỉ ra rằng, bổ sung protein giúp tăng khối lượng khoáng chất trong xương, giảm mất xương sau khi gãy xương, tăng cường sức mạnh cơ bắp, giảm nguy cơ biến chứng và rút ngắn thời gian nằm viện. Protein cũng giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng canxi, một trong những khoáng chất vô cùng quan trọng giúp xương chắc khỏe và phát triển. Đặc biệt, ăn cá nhỏ cả xương và tôm tép nguyên vỏ... không chỉ cung cấp protein mà còn bổ sung thêm canxi cho quá trình lành xương.
Canxi được tìm thấy trong sữa và các thực phẩm từ sữa. Cụ thể, sữa động vật là nguồn cung cấp canxi dồi dào, bất kể là sữa béo hoặc sữa không béo. Những loại sữa này bao gồm sữa bò, sữa dê, sữa cừu... Tuy nhiên, sữa đặc có đường và sữa làm từ các loại hạt không thích hợp cho người bệnh gãy xương. Vì sữa đặc có đường có hàm lượng canxi thấp trong khi chứa rất nhiều đường, không tốt cho sức khỏe. Trong khi đó, sữa làm từ các loại hạt, thường gặp nhất là sữa đậu nành, có hàm lượng canxi chỉ bằng ⅕ so với sữa bò.
Các chế phẩm từ sữanhư phô mai, sữa chua, váng sữa... đều là những loại thực phẩm cung cấp nhiều canxi. Hàm lượng canxi trong một miếng phô mai và trong 100ml sữa là bằng nhau.
Vitamin K trong bắp cải, rau chân vịt, củ dền, súp lơ trắng... Vitamin K đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng cường sức mạnh của xương, mật độ khoáng xương và có lợi cho quá trình phục hồi vết gãy. Ngoài ra, vitamin K2 thuộc nhóm vitamin K cũng có lợi cho người gãy xương. Vitamin này giúp cố định canxi trong xương, kích thích quá trình hình thành xương thông qua việc thúc đẩy sự phân hóa tạo cốt bào. Vitamin K2 có nhiều trong các loại thực phẩm lên men như sữa chua, dưa cải muối chua...
Vitamin B6 và B12 có nhiều trong thịt, cá, cà rốt, ngũ cốc... Cả hai vitamin này đều có vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành vết thương, tạo xương, duy trì độ dẻo dai và giúp xương luôn chắc khỏe. Nếu cơ thể không cung cấp đủ Vitamin B6 và B12, mật độ khoáng xương sẽ bị sụt giảm, làm chậm tốc độ lành xương.
Magie được bổ sung từ chuối, bơ, các loại rau lá xanh, các loại hạt... Những thực phẩm này giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi, làm tăng mật độ xương và hỗ trợ hình thành xương mới. Nếu thiếu magie sẽ làm chậm quá trình lành xương, làm suy giảm lượng canxi trong các mô mềm, gây ra tình trạng loãng xương.
Bác sĩ Yến Thủy cho biết, ngoài chế độ dinh dưỡng, để đẩy nhanh tốc độ lành xương, người bệnh còn cần chú ý đến việc tắm nắng. Ánh nắng là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào nhất cho cơ thể. Khoáng chất này giúp hấp thu và chuyển hóa canxi vào xương. Theo đó, người bệnh nên tắm nắng 15 - 20 phút mỗi ngày, trong khoảng thời gian từ 10 - 12 giờ. Khi tắm nắng, nên để ánh nắng trực tiếp chiếu vào da, không tắm nắng qua cửa kiếng.
Phi Hồng