Đậu bắp chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác có lợi cho sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy ăn đậu bắp giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Theo nghiên cứu năm 2023 của Đại học Khoa học Y tế Zanjan, Iran và một số đơn vị, trên 100 bệnh nhân tiểu đường type 2, nhóm người dùng 1.000 mg bột đậu bắp ba lần một ngày trong ba tháng giảm mức đường huyết lúc đói, HbA1C (đường huyết trung bình trong ba tháng), cholesterol toàn phần, chất béo trung tính so với ban đầu và nhóm dùng giả dược.
Nhóm dùng đậu bắp có nồng độ hs-CRP (định lượng protein phản ứng C trong máu) thấp hơn so với nhóm giả dược sau ba tháng. Nồng độ CRP tăng cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.
Theo các nhà nghiên cứu, bệnh nhân tiểu đường type 2 ăn đậu bắp thường xuyên cải thiện lượng lipid máu, kiểm soát đường huyết và viêm mạn tính mà không có tác dụng phụ rõ rệt.
Nghiên cứu năm 2022 của Đại học Khoa học Y tế Tabriz, Iran, trên 120 người bệnh tiểu đường type 2, cho thấy người tiêu thụ đậu bắp (dạng viên nang 1.000 mg mỗi ngày) trong 8 tuần kiểm soát đường huyết tốt hơn. Điều này có thể do hàm lượng chất xơ và các hợp chất trong đậu bắp làm chậm quá trình hấp thụ glucose (đường) và cải thiện độ nhạy insulin.
Người dùng viên đậu bắp có lượng đường trong máu thấp hơn so với người dùng giả dược. Nồng độ đường huyết lúc đói và mức A1C cũng giảm ở nhóm tiêu thụ đậu bắp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng ăn đậu bắp nguyên quả có tác dụng chống tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Người bệnh dùng rau này cũng có thể bổ trợ cho một số loại thuốc.
Nghiên cứu năm 2011 của Đại học Rajshahi, Bangladesh và một số đơn vị, cũng phát hiện ra đậu bắp giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Những con chuột tiêu thụ đường lỏng và đậu bắp tinh khiết ít có đường huyết tăng đột biến hơn những con chuột ăn uống bình thường. Loại rau này có thể ngăn hấp thụ đường trong quá trình tiêu hóa.
Theo các tác giả nghiên cứu, đậu bắp giàu chất xơ và thường được sử dụng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Tác dụng hạ đường huyết của nó mang lại lợi ích cho người mắc bệnh này. Chất xơ hòa tan của đậu bắp làm giảm hấp thu glucose trong ruột ở chuột lúc đói. Vì vậy, đậu bắp có thể có lợi cho bệnh nhân tiểu đường trong việc kiểm soát mức đường huyết sau ăn. Tuy nhiên, đậu bắp có thể ảnh hưởng đến thuốc trị tiểu đường thông dụng là metformin. Người dùng thuốc này nên hỏi bác sĩ trước khi thêm đậu bắp vào chế độ ăn uống.
Người bệnh có thể dùng đậu bắp chế biến các món canh, súp, hầm, salad hoặc làm đồ uống để tận dụng các lợi ích của nó.
Mai Cat (Theo Everyday Health, Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |