Người bệnh tiểu đường không kiểm soát khẩu phần có thể dẫn đến ăn quá nhiều, tăng cân. Cân nặng thừa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ; huyết áp, cholesterol và đường huyết cao. Khẩu phần ăn hợp lý giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, cải thiện độ nhạy insulin.
Dưới đây là gợi ý cho người bệnh tiểu đường kiểm soát khẩu phần.
Ăn nhẹ protein giữa các bữa chính
Đồ ăn nhẹ chỉ chứa protein giúp thỏa mãn cơn đói mà không làm tăng đường huyết. Ví dụ, nếu ăn sáng lúc 7h, người bệnh nên dùng bữa nhẹ chỉ chứa protein lúc 10h và lúc 15h30 trước khi ăn tối 19h.
Gợi ý đồ ăn nhẹ chỉ chứa protein như trứng luộc chín, rau không tinh bột ăn cùng nước chấm từ sữa chua, cần tây và bơ đậu phộng, một thanh phô mai ít béo, nửa quả bơ.
Bữa ăn nhẹ lúc 15h30 góp phần ngăn ăn nhiều vào buổi tối, gây tăng đường huyết. Ví dụ một nửa bánh mì sandwich nguyên hạt, một quả táo (cỡ quả bóng tennis) với bơ đậu phộng, phô mai và dứa, phô mai kèm bánh quy giòn làm từ lúa mì nguyên hạt, trái cây trộn sữa chua nguyên chất, một ít các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó) với trái cây.
Đếm lượng carb
Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có thể ăn tổng cộng mỗi bữa khoảng 30-45 g carbohydrate (carb) và 45-60 g với nam giới.
Người bệnh tiểu đường có thể tìm hiểu thông tin định lượng carb của thức ăn trên internet, bao bì sản phẩm. Ví dụ, phần ăn chứa 15 g carb như một lát bánh mì, 1/3 chén cơm, nửa cốc (170 g) các loại đậu nấu chín như đậu lăng, đậu đen; một quả táo bằng quả bóng tennis.
Tránh đồ uống có đường
Tránh đồ uống có đường như soda, nước trái cây, đồ uống thể thao, cà phê, đồ uống có cồn, trà ngọt, nước chanh, nước tăng lực... vì chúng khiến lượng đường trong máu tăng nhanh và khó hạ.
Kết hợp đồ uống có đường với thức ăn dẫn đến tiêu thụ quá nhiều carb cùng một lúc, có nguy cơ tăng đột biến đường huyết. Lựa chọn thay thế lành mạnh hơn là nước lọc, trà không đường.
Lưu ý khi ăn buffet
Bữa tiệc tự chọn ăn thỏa thích thường dẫn đến ăn quá nhiều, ảnh hưởng đường hyết và gây tăng cân.
Không để bản thân quá đói trước tiệc buffet dễ dẫn đến ăn quá nhiều. Lấy những phần nhỏ, chọn các món lành mạnh, tránh tinh bột như bánh mì, cơm, khoai tây, ngô vì chúng ảnh hưởng đến đường huyết. Ăn chậm cũng giúp giảm lượng thức ăn tổng thể.
Hạn chế thức ăn có kích thước lớn
Bánh mì, bánh nướng to hoặc thức ăn có kích thước lớn thường chứa ít nhất hai khẩu phần. Với người mắc tiểu đường, khẩu phần quá lớn dẫn đến lượng calo tiêu thụ nhiều. Lượng calo nạp vào cao có thể làm biến động đường huyết, tăng cân.
Sử dụng chén đĩa kích thước nhỏ
Dùng những chiếc đĩa nhỏ là phương pháp kiểm soát khẩu phần hữu ích. Khi kích thước và diện tích chén đĩa nhỏ, bạn không thể lấy nhiều món nên giảm lượng tiêu thụ.
Đọc nhãn thực phẩm
Đọc nhãn thành phần để biết lượng calo, khẩu phần, carb và natri (muối) trong thức ăn. Lượng muối tiêu thụ không quá 2.300 mg mỗi ngày. Hạn chế muối giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ - hai biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ cao mắc bệnh tim. Tiêu thụ chất béo bão hòa làm nguy cơ này tăng lên hơn nữa. Sản phẩm có tỷ lệ chất béo bão hòa 5% hoặc ít hơn là lựa chọn tốt.
Viết nhật ký
Ghi lại lượng ăn vào và mức đường huyết sau ăn giúp người bệnh biết được thực phẩm nào ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, từ đó xác định loại thức ăn và khẩu phần phù hợp.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |