Kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2023 vừa trôi qua, bên cạnh những niềm vui, nỗi buồn của các sĩ tử, vẫn còn đó những bất cập như việc lộ đề thi, tranh luận về đáp án môn Tiếng Anh... Tôi chạnh lòng vì những áp lực thi cử của học sinh ngày nay.
Thay đổi quan điểm về thi cử
Trong hệ thống giáo dục, chương trình giảng dạy và hình thức thi cử là hai thành phần trọng yếu và có quan hệ mật thiết với nhau. Có một câu nói nổi tiếng "Bạn đạt được những gì bạn đo lường" (You got what you measure). Nếu lấy thi cử là thước đo đánh giá kiến thức của người học, ví dụ thi môn Sử theo hình thức học thuộc lòng các thông tin về một sự kiện lịch sử nhất định, bạn sẽ cho đậu những học sinh có trí nhớ tốt, nhưng các em sẽ thiếu kỹ năng phân tích sự liên quan và nguyên nhân của các sự kiện khác nhau.
Ở các nước phương Tây, có hình thức kiểm tra mở sách, thí sinh không cần "học vẹt" các dữ liệu, mà quan trọng là các em hiểu được mối liên kết giữa các sự kiện với nhau. Đó là kỹ năng quan trọng về phân tích vấn đề.
Hệ thống thi cử của nhiều nước phương Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... mang đậm dấu ấn của hệ thống khoa cử từ xa xưa, tìm kiếm những người giỏi nhất. Điều này vô tình tạo ra áp lực học tập và thi cử khủng khiếp đối với học sinh, đã có nhiều trường hợp đáng tiếc như học sinh có hành động dại dột vì áp lực học hành, vì đối với bản thân và gia đình thì tấm vé vào một trường Đại học tốt là cơ hội quan trọng, quyết định thành bại cả đời.
Thành quả đèn sách 12 năm trời được quyết định trong một kỳ thi ngắn ngủi, và nếu trượt thì cần mất thêm cả năm ôn luyện để chờ đợi cơ hội thi lại. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như việc học thêm dạy thêm (để đảm bảo kết quả), áp lực học ngày đêm để thi tốt, học vẹt, rồi gian lận thi cử (tăng xác suất điểm cao)... Rất nhiều vấn đề về giáo dục Việt Nam đương đại xuất phát từ hệ thống thi cử hiện tại.
Nghiên cứu về hệ thống giáo dục phương Tây, trẻ em được học rất nhàn nhã. Các kỳ thi học kỳ hàng năm được thực hiện bởi nhà trường. Các kỳ thi quan trọng như cuối cấp thực hiện theo quy mô toàn quốc. Ví dụ ở Mỹ, học sinh cấp ba, sau khi tốt nghiệp, sẽ thi các kỳ thi chuẩn quốc gia như SAT (Scholastic Aptitude Test) hoặc ACT (American College Test). Điểm thi sẽ là yếu tố quan trọng để từng trường Đại học xét tuyển, bên cạnh các yếu tố khác như điểm trung bình năm học, thành tích thể thao, các hoạt động tình nguyện ở trường cấp ba...
Ngoài ra, đối với các kỳ thi học kỳ, nếu học sinh chưa đạt, nhà trường sẽ tổ chức thi lại sớm để học sinh có cơ hội lên lớp. Các kỳ thi quan trọng cuối cấp cũng được tổ chức linh động tại nhiều thời điểm trong năm nhờ ưu thế tổ chức thi trực tuyến, người học không cần chờ cả năm để được thi lại, đỡ tốn thời gian và tài chính.
Điểm khác biệt quan trọng là quan điểm và triết lý về việc thi cử. Thay vì tìm kiếm những người giỏi nhất và biến việc học tập trở thành "cuộc chiến sinh tử", việc học hết cấp ba nên được xem là tạo nền móng kiến thức cho học sinh để bước vào giảng đường Đại học, thành chuyên gia trong lĩnh vực nhất định, hoặc học nghề. Cần hiểu rằng ngày nay, việc bước vào đời và làm việc thì tấm bằng tốt nghiệp cấp ba là điều kiện tối thiểu; việc thi tốt nghiệp THPT và đánh rớt thí sinh sẽ đóng sập cánh cửa cơ hội của các em. Việc chờ đợi thi lại sau năm gây tốn kém nguồn lực xã hội và thời gian của học sinh.
>> 'Thi tốt nghiệp THPT không áp lực bằng tuyển sinh lớp 10'
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố có thể cải tiến cho các kỳ thi Quốc gia:
Thứ nhất, tổ chức thi trực tuyến giúp thí sinh linh động thời gian; việc tổ chức thi giấy và thi tập trung như hiện nay tạo ra áp lực trách nhiệm to lớn cho người quản lý trong mỗi kỳ thi. Có thể tổ chức các Trung tâm khảo thí ở địa phương, vừa đảm bảo sự công bằng trong thi cử, vừa thực hiện trao quyền từ Bộ Giáo dục & Đào tạo đến các cơ quan địa phương. Có thể tổ chức linh động từ định kỳ và cố định hàng năm đến thời hạn 3-6 tháng.
Thứ hai, ưu tiên thi trắc nghiệm thay vì tự luận, ngoại trừ một số môn như Văn học. Thi trắc nghiệm giúp việc chấm thi bằng máy tiết kiệm thời gian và chính xác hơn, giảm thiểu những rủi ro sai sót cũng như ý kiến chủ quan của giáo viên chấm thi.
Thứ ba, đề thi nên được xây dựng dựa trên tiêu chí giúp đo lường kỹ năng phân tích vấn đề, tư duy phản biện, khả năng kết nối các thông tin và tìm hiểu nguyên nhân; và bớt lệ thuộc vào việc học thuộc lòng các dữ kiện.
Thứ tư. ngân hàng đề thi có thể được xây dựng và kiểm tra chéo bởi giáo viên tại nhiều địa phương để đảm bảo tính công bằng. Việc số hóa hình thức thi cử cũng có thể giúp lựa chọn ngẫu nhiên câu hỏi, đề thi; đảm bảo chấm dứt vấn nạn gian lận thi cử.
Cuối cùng, đề thi nên đi sâu vào việc kiểm tra các kiến thức cơ bản của học sinh, và có sự phân loại với những câu hỏi hay. Tuy nhiên, kiến thức cơ bản nên là cơ sở để đánh giá trình độ của học sinh; việc phân loại những thí sinh xuất sắc chỉ là yếu tố cộng thêm giúp các em dễ đậu vào các trường Đại học hàng đầu.
Đổi mới tư duy về kỹ năng cần có của lao động hiện đại
Ngày 11/5/2022, Chính phủ thông qua việc thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Quyết định quan trọng này thể hiện tầm nhìn của Chính phủ về lực lượng lao động chất xám là tương lai của nền kinh tế Việt Nam, và vai trò quan trọng của Giáo dục trong việc xây dựng và phát triển nguồn lực nhân sự này.
>> Tôi đỗ ĐH nhẹ tênh, không học khổ sở như bạn bè trường chuyên
Dựa trên nghiên cứu mới nhất của tổ chức World Economic Forum (Diễn đàn kinh tế thế giới), 10 kỹ năng cần thiết của người lao động vào năm 2025 là: Tư duy phân tích và đổi mới; học tập chủ động và có chiến lược; giải quyết vấn đề phức tạp; tư duy phản biện và phân tích; sáng tạo, nguyên bản, và khởi xướng sáng kiến; lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội; sử dụng, theo dõi, và kiểm soát công nghệ; thiết kế và lập trình công nghệ; bền bỉ, chịu áp lực, và linh hoạt; lập luận, giải quyết vấn đề và lên ý tưởng.
Có thể thấy, người lao động hiện đại cần được trang bị nhiều nhóm kỹ năng mềm, cập nhật xu hướng tương lai, bên cạnh các kiến thức cứng được học trên ghế nhà trường. Điều này cần được phản ánh trong việc thiết kế chương trình giảng dạy cũng như hệ thống thi cử quốc gia.
Nhật Nguyễn
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.