Tôi và con gái cũng không phải trường hợp ngoại lệ trong một "xã hội thi cử". Con tôi vốn tính khá nhút nhát, học lực chỉ ở mức trung bình, mặc dù gia đình rất quan tâm, đầu tư cho con học. Bản thân con cũng rất chịu khó học hành, mặc dù gia đình tôi không khi nào gây sức ép về kết quả học tập của cháu.
Thế nhưng, nhìn vào quyển học bạ sáng láng những điểm số cao vời vợi của con, nếu là người ngoài, chắc hẳn ai cũng nghĩ con tôi học rất giỏi. Chỉ có tôi là hiểu học lực thực sự của con mình tới đâu, khác xa điểm số trong học bạ.
Tôi cũng không hiểu tại sao các thầy cô phải làm thế để làm gì? Vì bệnh thành tích ư? Hay vì vợ tôi là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh nên các cô mới nâng điểm? Cá nhân tôi tôi không muốn và rất ghét sự ru ngủ kiểu "điểm số đẹp học bạ" đó.
Đến ngày đăng ký thi vào 10, tôi hỏi con "đăng ký nguyện vọng 1 vào trường A chứ?". Con bảo "không tự tin, nên chọn vào trường C" (vì xác định điểm trường C sẽ thấp hơn nhiều so với trường A). Đương nhiên là tôi không can thiệp vào quyết định của con.
>> Bài học miễn học phí của Nhật Bản
Rồi ngày thi cũng đến. Tôi đưa con đến điểm thi, nhìn nét mặt từ phụ huynh đến học sinh, ai cũng căng thẳng, cộng thêm cái nắng nóng oi nồng của mùa hè, cảm tưởng như ngay cả cha mẹ cũng đang đi thi vậy. Lắng nghe các bậc phụ huynh đưa con đi thi bàn luận, mong chờ, than vãn, tôi thấy có một điểm chung, đại loại là "nếu không đỗ vào cấp ba, con tôi không biết làm gì?".
Khi báo điểm, tôi cũng buồn và có chút hụt hẫng vì con tôi không đỗ nguyện vọng một (trường cách nhà 2 km). Nhưng cũng may con vẫn đỗ nguyện vọng hai (trường cách nhà 11 km). Trong khi đó, tôi biết ngoài kia còn rất nhiều học sinh thậm chí không vào được trường công, buộc phải vào học trường tư hoặc trung tâm Giáo dục thường xuyên để tiếp tục nuôi hy vọng vào con đường học vấn.
Qua câu chuyện này của mình, tôi mong rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo sớm phối hợp với Bộ Lao động Thương binh & Xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025". Đó là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm tải cho áp lực xã hội xung quanh câu chuyện thi cử như hiện nay.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.