Xung quanh bài viết "Nước mắt mùa thi", nhiều độc giả VnExpress đã có những ý kiến bày tỏ quan điểm về câu chuyện áp lực thi cử của học sinh thời nay:
Chỉ vì thế hệ đi trước khổ và chịu vất vả, không có nghĩa điều đó phải áp lên thế hệ sau. Em từng quen rất nhiều bạn, lớn hơn em cũng có, nhỏ hơn em cũng có, từ 9x đến 2000, chỉ vì áp lực phải đỗ đại học mà ghi danh bừa vào những ngôi trường, ngành nghề mà mình không muốn, thậm chí không hiểu. Và thế là 4 năm tuổi xuân, thậm chí 10 năm sau đó bị phí hoài.
Em mong một ngày, phụ huynh sẽ hiểu ra là với ĐH hay THPT, việc học chỉ là cánh cửa, còn sự nghiệp và công việc mà mình phù hợp mới là đích đến. Đôi khi người ta chỉ nghĩ đến việc qua cửa, mà không biết cái đích mà mình đang hướng đến là ở đâu, nên mới sinh ra lạc đường.
Thời đại đã thay đổi, vấn đề ở đây không phải là bỏ thi cử, thậm chí thi cử cần khó hơn và phân loại hơn. Cái cần bỏ ở đây là áp lực lên học sinh từ gia đình và xã hội, từ bệnh sĩ diện và sống thay con của các bậc cha mẹ, từ sự tung hô của xã hội kiểu "đỗ thì cả nhà (hoặc cả họ) ăn mừng, trượt thì tự ti và xấu hổ khủng khiếp".
Sẽ có người nói là giỏi như thủ khoa không vinh danh thì lấy đâu động lực cho họ tiếp tục phấn đấu hay lấy đâu tấm gương cho các em khác học tập? Xin thưa, các bạn tôi trước đây đạt giải quốc gia hoặc thủ khoa đại học nhưng họ học cho mục tiêu của họ chứ không ai cần xã hội vinh danh sau khi họ đỗ. Còn chuyện tấm gương lại khiến xã hội hiểu nhầm. Nên nhớ con đường thoát nghèo đâu phải mỗi sự học, và đỗ đại học mới là bước đầu, còn cả con đường dài sau này. Có chắc thủ khoa là sẽ thành công?
Không có kỳ thi nào ở nơi đâu mà không áp lực cả. Chỉ có mô hình và quan niệm thi cử của chúng ta làm các em quá áp lực.
Các phụ huynh và các em hãy nhớ. Điểm thi cũng chỉ là một con số. Để thành công hay không, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các thiên tài âm nhạc, hội hoạ, các doanh nhân thành đạt đâu phải họ đều vượt qua tất các kỳ thi, điểm toán lúc nào cũng 9-10. Họ không giỏi mặt này, họ sẽ giỏi ở khía cạnh khác. Vấn đề là họ biết phát huy thế mạnh đó.
Cũng nên cần thay đổi mô hình thi cử hiện nay theo quan điểm "xã hội hoá" giáo dục:
Thứ nhất, kỳ thi THPT nên đưa cho các trường cấp 3 tự tổ chức. Đó cũng chỉ là một tấm bằng chứng nhận đã hoàn thành giáo dục phổ thông thôi, không có giá trị về mặt cơ hội nghề nghiệp trên thị trường. Vì thế, hãy xem nó là phổ cập giáo dục theo quan niệm "ai cũng có cơ hội đến trường".
Thứ hai, kỳ thi đại học và tuyển chọn ngành nghề nên đưa về cho các trường tự chủ. Thi thế nào môn gì tuy họ. Nên chăng Bộ gia tăng giám sát như mức điểm sàn, kỷ luật hiệu trưởng trường để xảy ra sai phạm, quy định số lượng sinh viên được tuyển tuỳ theo quy mô giáo viên, cơ sở vật chất...
Nhiều học sinh bây giờ đâu muốn thi đại học, họ chỉ muốn học nghề, kiếm việc, dễ hơn là bỏ 4 năm học đại học rồi ra trường thất nghiệp. Mỗi em chỉ đăng ký 2 ngành dự thi kéo dài từ tháng 5-8. Các khối thi cách nhau ra 20 ngày.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.