Chia sẻ về bài viết "Trẻ có thể thui chột tài năng khi học trường phổ thông", độc giả NTB cho rằng cần tách bạch giữa "truyền thụ kiến thức, năng khiếu" và "học kỹ năng sống, giao tiếp xã hội":
Truyền thụ kiến thức đại trà không giúp nuôi dưỡng tài năng. Nhưng nuôi dưỡng tài năng lại khiến trẻ bị tước đi cơ hội hoàn thiện kỹ năng xã hội. Vậy rõ ràng rằng, để đáp ứng cả hai nhu cầu này, hệ thống phân lớp, khảo thí và đánh giá hiện nay đang bộc lộ sự lạc hậu của nó.
Nên chăng cần tách bạch giữa "truyền thụ kiến thức, năng khiếu" và "học kỹ năng sống, giao tiếp xã hội" bằng hai hệ thống riêng biệt. Làm thế, trẻ sẽ được phát triển toàn diện, phù hợp với năng lực của mỗi trẻ hơn kiểu đào tạo đại trà hiện nay. Khi đó, sẽ không còn các kỳ thi tốt nghiệp nữa mà thay vào đó là các chứng chỉ hoàn thành các khóa học (kiến thức, năng khiếu hay kỹ năng xã hội).
Cấp học phổ thông sẽ phân theo lứa tuổi tương đối gồm 4 cấp, non, tiểu, thiếu, thanh. Cấp học sau phổ thông, các ngành nghề, sẽ tùy theo hội nghề nghiệp của mình mà đặt ra các hệ thống đào tạo, tiêu chí cho học viên, muốn theo ngành nghề của mình, phải hoàn thành các chứng chỉ nào. Cấp học sau phổ thông sẽ gồm 3 cấp: học nghề, thạc sĩ, tiến sĩ.
Đồng quan điểm, độc giả Garbage Doll nhận định nhiều bất cập đang tồn tại trong cách giáo dục ở nước ta:
Hẳn nhiều người sẽ "ném đá" về vấn đề này nhưng tôi nghĩ phần lớn trường học lập ra mục đích chính không phải là để hướng học sinh theo đúng con đường mà chúng đã chọn mà để hướng học sinh theo con đường mà xã hội muốn. Vì bất kể là ai, cha mẹ, thầy cô, trường học, xã hội đều không mong muốn những đứa trẻ có suy nghĩ khác thường, hễ họ thấy chúng không giống với mong đợi của họ là bắt đầu muốn kiểm soát, khiến chúng phải theo ý họ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.