Đồng cảm với tác giả bài viết "Ôn thi trong nỗi sợ", độc giả Luong tam chia sẻ quan điểm về những bất cập trong thi cử và đánh giá chất lượng học sinh bằng điểm số:
"Vì sao chúng ta muốn phân loại học sinh? Để khen thưởng, khích lệ các em có thành tích tốt, để bố trí phân luồng đào tạo nghề nghiệp phù hợp. Vậy phân loại bằng cách nào? Chúng ta thi và lượng hoá bằng điểm số rồi dựa vào điểm số để phân loại, vậy hoá ra nghề nghiệp sau này như thế nào là do điểm số quyết định. Có vẻ chưa hợp lý vì có những học sinh lúc bé vẽ xấu nhưng sau này lại là một nhà thiết kế tài danh, có những cậu học trò theo học ngành ngoại thương lại không bằng một thầy giáo sư phạm chuyển ngành (Jack Ma của Alibaba), tiến sĩ học vị cao vẫn tham nhũng... Như vậy, nghề nghiệp mà theo điểm số thì có vẻ không chính xác vì nghề nghiệp đánh giá bằng hiệu quả công việc và sản phẩm tạo ra.
Chất lượng cuộc sống là mục đích, nghề nghiệp là mục tiêu, học tập là quá trình, thế thì cái phân loại này là gì? Lẽ ra nó chỉ là một bước đánh giá, rà soát để học sinh nhìn nhận và hoàn thiện quá trình, nhưng chúng ta đã làm cho nó trở nên quyết định cả mục tiêu lẫn mục đích, dẫn đến bao nhiêu năm cải cách giáo dục thì áp lực thi cử vẫn nặng nề, vì nó gắn với nghề nghiệp của đời người. Chương trình học ngày càng khủng khiếp hơn để phục vụ cho cái phân loại đó".
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Dinhsenkt2c chỉ những áp lực học hành, thi cử khủng khiếp mà học sinh đang phải gánh chịu:
"Với khối lượng kiến thức quá lớn như hiện nay, theo tôi, học sinh chỉ đủ thời gian để luyện theo các bài tập kiểu bộ đề chuẩn hóa, không còn thời gian để học dạng hiểu rõ bản chất. Thực sự, học sinh của chúng ta học tập quá vất vả, phải nói là học ngày, học đêm, cả ngày các em phải lăn lộn ở trường, về nhà phải ôn lại bài và xem trước bài cũ của rất nhiều môn học, các em không phải những thiên tài hay siêu nhân, cái gì cũng có giới hạn riêng của nó.
Những bài thi tổ hợp quá kinh khủng, người xưa đã nói "một nghề cho chín, còn hơn chín nghề". Nhưng ngày nay, chúng ta lúc nào cũng đòi hỏi học sinh phải học đều các môn, khối lượng kiến thức phổ thông thì rất nhiều nhưng ra đời chẳng chuyên sâu một vấn đề nào. Ngành giáo dục đúng là có vấn đề lớn".
>> Bỏ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học - 'lối thoát' mùa dịch
Cho rằng giáo dục Việt Nam cần có một hướng đào tạo và đánh giá khác, độc giả Kim Oanh To phân tích:
"Tôi nghĩ học sinh nên được đào tạo theo cách để có thể thích ứng được với mọi thay đổi chứ không nên quá phụ thuộc vào những kỳ thi cố định và không có sự cải tiến trong hàng thập kỷ. Nếu thực sự nắm chắc kiến thức, học sinh chỉ cần có thời gian ngắn làm quen với cách thức, định dạng và cấu trúc bài thi để có các kỹ năng làm bài, biết cách ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc thi mà học sinh sẽ tham gia chứ không cần đến cả ba năm cấp 3 chỉ ôn luyện cho một kỳ thi.
Cuộc sống sẽ luôn phải đối mặt với những vấn đề không được hoạch định trước, học sinh cần phải được chuẩn bị các kỹ năng lập kế hoạch, phòng bị và đáp ứng với mọi thay đổi, chứ không nên chỉ dồn sức làm đi làm lại các bài tập kiểu bộ đề chuẩn hóa để đạt điểm cao trong các kỳ thi".
Cũng ủng hộ việc giảm tải số lượng các kỳ thi tốt nghiệp, bạn đọc Hoa Khai nhấn mạnh:
"Cuốn học bạ đó, nếu minh bạch và thực chất, với những đầu điểm đạt chuẩn, với những chữ ký và nhận xét của giáo viên, chẳng lẽ không thể là minh chứng cho việc các em học sinh đã hoàn thành nhiệm vụ học tập? Chẳng lẽ không đủ giá trị để làm cơ sở công nhận tốt nghiệp? Như vậy, khác nào chúng ta phủ nhận mọi thành tích đã có, phủ nhận luôn cả một quá trình dạy và học ở các cấp? Tôi công nhận cuốn học bạ có giá trị và giá trị đó dùng để xét tốt nghiệp. Còn việc thi cử hãy để cho các cấp cao hơn như: Cao đẳng, Đại học hoặc các ngành nghề đòi hỏi chuyên môn khác như: mỹ thuật, nhạc họa...".
Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.