Tuyến giáp của người bệnh tạo ra ít hormone hơn bình thường, khiến quá trình trao đổi chất diễn ra chậm. Trao đổi chất chậm làm cho người bệnh mệt mỏi, tăng lượng cholesterol trong máu, khó giảm cân. Dưới đây là một số thực phẩm người suy giáp nên hạn chế để tránh bệnh nặng hơn.
Đậu nành
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (đậu phụ, tương miso, sữa) có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tuyến giáp như suy giáp, bướu cổ, bệnh tuyến giáp tự miễn. Theo nghiên cứu năm 2019 của Đại học Loma Linda (Mỹ), đậu nành cản trở tuyến giáp hấp thụ một số loại thuốc. Người bệnh nên ăn đậu nành cách giờ uống thuốc khoảng 4 tiếng.
Rau họ cải
Iốt cần thiết cho quá trình hoạt động bình thường của tuyến giáp. Rau họ cải như bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn, cải ngọt có thể ngăn khả năng sử dụng iốt của cơ quan này. Nấu chín kỹ giúp giảm tác động của rau họ cải đến tuyến giáp. Mỗi người chỉ ăn khoảng 140 g rau họ cải mỗi ngày để tuyến giáp hoạt động ổn định.
Thực phẩm nhiều chất xơ
Tiêu thụ quá nhiều chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, đậu ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, cản trở hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Người 18-50 tuổi, mức tiêu thụ vừa phải là 25-38 g chất xơ mỗi ngày.
![Rau họ cải nhiều chất cơ không tốt cho bệnh suy giáp. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/07/29/fresh-vegetables-greens-green-9687-9685-1690596022.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n0-XheAnPwnzq2wYpmTGhA)
Người bệnh suy giáp nên hạn chế rau họ cải. Ảnh: Freepik
Gluten
Gluten là một loại protein có trong bánh mì, bánh, mì sợi. Người bệnh suy giáp, bệnh celiac (không dung nạp gluten) ăn thực phẩm chứa gluten có thể gây kích ứng ruột non, cản trở sự hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp.
Thức ăn giàu chất béo
Chất béo có thể làm gián đoạn khả năng hấp thụ thuốc, cản trở khả năng sản xuất hormone. Người bệnh này nên cắt bỏ thực phẩm giàu chất béo, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ như thịt mỡ, sốt mayonnaise, bơ sữa, bơ thực vật, đồ ăn nhanh.
Thực phẩm nhiều đường
Bệnh suy giáp có thể khiến quá trình trao đổi chất chậm lại, dễ tăng cân. Thực phẩm có lượng đường cao như bánh ngọt, chocolate chứa nhiều calo, ít chất dinh dưỡng, không tốt cho tuyến giáp. Nên giảm đường ở mức phù hợp, tránh đồ quá ngọt.
Thực phẩm chế biến sẵn
Thức ăn chế biến sẵn thường chứa nhiều natri (muối). Ăn quá nhiều muối làm tuyến giáp hoạt động kém, tăng nguy cơ cao huyết áp. Nếu sử dụng thức ăn đóng gói, cần chọn loại có hàm lượng natri thấp. Người có nguy cơ cao huyết áp cần giảm muối ở mức 1.500 mg mỗi ngày.
Caffeine
Nghiên cứu năm 2018 của Đại học Messina (Italy) cho thấy caffeine có thể ngăn chặn sự hấp thụ thay thế hormone tuyến giáp. Người suy giáp nên hạn chế thức uống có caffeine như trà, cà phê và đợi ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc mới sử dụng.
Rượu
Rượu ảnh hưởng đến nồng độ hormone và khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp. Người suy giáp không nên uống rượu theo tư vấn của bác sĩ.
Mai Cat (Theo Everyday Health)