Gan chịu trách nhiệm quản lý chất béo, protein và carbohydrate mà chúng ta ăn vào, đồng thời kiểm soát sản xuất nhiều chất béo và protein cho các chức năng của cơ thể. Gan không khỏe mạnh có thể dẫn đến bệnh gan và rối loạn chuyển hóa gây ra bệnh như tiểu đường. Tiêu thụ một số thực phẩm và đồ uống có thể giúp tăng cường sức khỏe gan theo Medical News Today.
Cà phê
Theo nghiên cứu của Đại học California (Mỹ),cà phê có thể hỗ trợ chống lại bệnh gan nhiễm mỡ. Uống cà phê hàng ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan mạn tính, bảo vệ gan khỏi các tình trạng tổn thương như ung thư gan. Nghiên cứu khác của Italy chỉ ra, thức uống này làm giảm sự tích tụ chất béo ở gan và làm tăng chất chống oxy hóa bảo vệ gan. Các hợp chất trong cà phê cũng giúp men gan loại bỏ các chất gây ung thư ra khỏi cơ thể.
Trà xanh
Nghiên cứu của Đại học Y Nam Kinh (Trung Quốc) cho thấy, uống trà xanh giảm nguy cơ ung thư gan ở phụ nữ. Bạn nên uống lá trà xanh tươi hơn là chiết xuất từ trà xanh, vì chiết xuất liều cao có thể làm tổn thương gan.
Quả mọng
Nhiều loại quả mọng như việt quất, mâm xôi, nho... chứa chất chống oxy polyphenol có thể bảo vệ gan khỏi bị hư hại, tổn thương. Theo nghiên cứu của Trung Quốc, tiêu thụ nước ép việt quất làm tăng khả năng chống oxy hóa trong gan, giảm xơ hóa cơ quan này.
Bưởi
Bưởi chứa hai chất chống oxy hóa là naringin và naringenin. Hai chất này làm giảm viêm và bảo vệ các tế bào gan khỏi bị tổn thương. Các nhà khoa học Trung Quốc chỉ ra, naringin có thể giảm căng thẳng oxy hóa chống lại gan nhiễm mỡ do rượu. Một số loại thuốc được chuyển hóa trong gan có thể tương tác với bưởi. Mọi người nên hỏi bác sĩ trước khi thêm bưởi hoặc nước ép bưởi vào chế độ ăn uống.
Các loại hạt
Ăn các loại hạt có thể giữ cho gan khỏe mạnh và bảo vệ chống lại gan nhiễm mỡ không do rượu. Hạt chứa nhiều axit béo không bão hòa, vitamin E và chất chống oxy hóa. Các chất này ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, giảm viêm và căng thẳng oxy hóa.
Bột yến mạch
Tiêu thụ chất xơ trong bột yến mạch có lợi cho quá trình tiêu hóa và gan. Yến mạch và bột yến mạch cũng chứa nhiều hợp chất beta-glucans. Các nhà khoa học Hàn Quốc chỉ ra, beta-glucans hoạt động sinh học rất linh hoạt trong cơ thể, giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch và chống lại chứng viêm. Hợp chất này làm giảm lượng chất béo dự trữ trong gan, có khả năng bảo vệ gan. Beta-glucans cũng có thể chống lại bệnh tiểu đường và béo phì.
Mọi người nên chọn yến mạch nguyên hạt hoặc yến mạch cắt sợi thay vì bột yến mạch ăn liền do có thể chứa chất độn là bột mì hoặc đường, không có lợi cho cơ thể.
Tỏi
Theo Đại học Khoa học Y tế Isfahan (Iran), bổ sung viên nang bột tỏi vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể giảm trọng lượng cơ thể và mỡ ở người bị gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Thừa cân hoặc béo phì là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng này.
Dầu ô liu
Dầu ô liu có hàm lượng các axit béo không bão hòa cao. Thay thế chất béo không lành mạnh bằng dầu ô liu giúp giảm căng thẳng oxy hóa, cải thiện chức năng gan, có lợi cho bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Cá béo
Tiêu thụ cá béo và chất bổ sung dầu cá làm giảm tác động của gan nhiễm mỡ không do rượu. Cá béo rất giàu axit béo omega-3, là chất béo tốt giúp giảm viêm. Chất béo này có thể ngăn chặn sự tích tụ mỡ dư thừa và duy trì mức độ enzyme trong gan.
Tiêu thụ lượng lớn thực phẩm thực vật cũng có lợi cho gan ví dụ quả bơ, chuối, quả sung, dưa hấu, đu đủ, củ cải đường, bông cải xanh, cà rốt, gạo lứt, rau cải... Mọi người cần tránh nhóm thực phẩm gây hại cho gan gồm thực phẩm béo (đồ chiên rán, thức ăn nhanh), giàu tinh bột (bánh mì, mì ống), đường (bánh ngọt, kẹo), thực phẩm chế biến sẵn (đồ hộp, thịt nguội, xúc xích...). Cắt giảm muối và loại bỏ rượu hoàn toàn để bảo vệ gan khỏi các tổn thương.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)