Chứng khó tiêu gây cảm giác khó chịu ở vùng bụng trên với các biểu hiện như buồn nôn, đầy hơi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy. Chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp đủ chất bột đường, đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ có lợi cho đường tiêu hóa. Khi khó tiêu, người bệnh nên tránh một số thực phẩm dưới đây.
Các sản phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa là nhóm thực phẩm khó tiêu hóa do chứa đường lactose. Người không dung nạp được lactose dễ đầy hơi, chướng bụng, nguy cơ tiêu chảy, đau bụng nếu ăn quá nhiều một lúc. Trường hợp bị khó tiêu nên ăn sữa chua hoặc các sản phẩm từ sữa không chứa lactose.
Thực phẩm có tính axit
Sốt cà chua, nước có gas, trái cây có múi như cam, quýt, chanh, bưởi... có tính axit, làm kích ứng niêm mạc dạ dày gây đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày, viêm dạ dày, xuất huyết dạ dày. Thay thế nước có gas bằng nước lọc hoặc nước điện giải, trái cây chứa axit bằng các loại quả tốt cho tiêu hóa bao gồm chuối, dưa hấu, dưa lưới, đu đủ, bơ...
Thực phẩm giàu chất béo
Người bị khó tiêu nên ăn các món ít béo, chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, giúp giảm áp lực lên dạ dày. Thực phẩm giàu chất béo như thịt đỏ, kem, bơ làm từ sữa động vật... kích thích các cơn co thắt dạ dày, gây tiêu chảy hoặc làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, dẫn đến táo bón.
Đồ chiên
Các món chiên thường ít chất xơ, nhiều chất béo bão hòa, khó tiêu hóa, làm tăng cảm giác no và chướng bụng. Ăn nhiều đồ chiên có khả năng phá hỏng hệ vi sinh vật đường ruột bằng cách tăng số lượng vi khuẩn đường ruột không lành mạnh, giảm số lượng vi khuẩn tốt. Người bị hội chứng ruột kích thích, viêm tụy mạn tính hoặc bệnh dạ dày có thể bị chuột rút, đau bụng, tiêu chảy.
Thực phẩm chế biến sẵn
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn vì chúng thiếu chất xơ có tác dụng điều hòa nhu động ruột. Xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói, mì ăn liền, trái cây sấy khô... thường chứa chất bảo quản và màu nhân tạo. Chúng có thể gây hại đường tiêu hóa, làm tăng cảm giác khó tiêu, đau bụng.
Đồ ngọt nhân tạo
Đường fructose trong thực phẩm chế biến thường khó tiêu hóa. Chất tạo ngọt tổng hợp sorbitol được sử dụng trong sản xuất bánh kẹo, đồ uống có thể gây đầy hơi, chướng bụng. Kiểm tra bao bì khi mua thực phẩm để hạn chế tiêu thụ những chất làm ngọt nhân tạo này.
Đồ cay
Nếu cảm thấy đầy bụng, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy nên tránh đồ ăn cay. Hợp chất capsaicin trong ớt có khả năng gây rối loạn tiêu hóa ở người bị chứng khó tiêu. Đồ cay cũng khiến các vết loét dạ dày nặng hơn.
Rượu bia
Đồ uống có cồn kích thích niêm mạc dạ dày, tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất của gan. Uống nhiều rượu bia dẫn đến đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Caffeine
Caffeine kích thích sự vận động của nhu động ruột giúp xử lý thức ăn nhanh. Người bị khó tiêu hoặc gặp vấn đề tiêu hóa uống nhiều cà phê có khả năng bị tiêu chảy. Hạn chế cà phê, chocolate, trà, soda cho đến khi đường tiêu hóa ổn định vì chúng chứa nhiều caffeine.
Anh Chi (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |