Hệ thống tiêu hóa từ miệng đến hậu môn dài khoảng 9 m, phân hủy thực phẩm để cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng. Đường tiêu hóa gồm nhiều bộ phận như miệng, hầu, dạ dày, ruột non, tuyến nước bọt, tụy, gan, mật... Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Bệnh tiêu hóa và Bệnh thận Mỹ, dưới đây là 9 bệnh tiêu hóa phổ biến.
Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh gây trào ngược axit thường gây đau rát ngực. Các triệu chứng khác như ợ nóng dai dẳng, hơi thở có mùi, mòn răng, buồn nôn, đau ở ngực hoặc phần trên của bụng, khó nuốt hoặc khó thở. Trào ngược xảy ra sau bữa ăn quá no, thói quen ăn uống không lành mạnh.
Bác sĩ có thể kê thuốc kháng axit, thuốc giảm sản xuất axit dạ dày. Người bệnh nên tránh thực phẩm chua, cay, nóng, gối cao đầu khi nằm, không nằm sau bữa ăn, ăn bữa nhỏ thay vì bữa lớn, bỏ thuốc lá.
Sỏi mật
Chất tạo nên mật như cholesterol hoặc chất thải bilirubin cô đặc dẫn đến hình thành sỏi cứng trong túi mật. Sỏi chặn các ống dẫn từ túi mật đến ruột gây đau nhói ở vùng bụng phải trên. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị phổ biến.
Bệnh celiac
Bệnh xảy ra do không dung nạp gluten, dẫn đến kém hấp thu chất dinh dưỡng. Gluten có nhiều trong lúa mì, lúa mạch, yến mạch. Triệu chứng ở trẻ em thường đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, nôn mửa và sụt cân.
Người lớn mắc bệnh celiac bị thiếu máu, mệt mỏi, loãng xương, trầm cảm, co giật. Hạn chế hoặc tránh gluten giúp kiểm soát triệu chứng. Có thể thay thế gluten trong bột mì lúa mạch bằng gạo lứt, đậu lăng, bột đậu nành, bột ngô...
Bệnh viêm ruột
Bệnh crohn (viêm ruột) ảnh hưởng nhiều đến hồi tràng, ruột già. Di truyền và tiền sử gia đình có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh. Triệu chứng phổ biến gồm đau bụng, tiêu chảy, chảy máu trực tràng, sụt cân, sốt. Điều trị phụ thuộc vào triệu chứng, các biện pháp thường dùng như thuốc giảm đau, thuốc ức chế miễn dịch, phẫu thuật khi bệnh nặng.
Viêm loét đại tràng
Dấu hiệu viêm loét đại tràng phổ biến như đi tiêu thường xuyên, đau khi đi vệ sinh, đại tiện có máu, đau quặn bụng. Người bệnh nên ghi lại thực đơn ăn uống, tránh thực phẩm gây khó chịu. Để phòng bệnh, nên ăn uống lành mạnh, nhiều rau củ quả, không uống nhiều rượu bia, tránh dùng chất kích thích. Thức ăn chua, cay, nóng cũng cần hạn chế vì không tốt cho hệ tiêu hóa.
Viêm túi thừa
Viêm túi thừa khá phổ biến ở người 50 tuổi trở lên, có thể nhẹ đến nặng phụ thuộc vào mức độ viêm nhiễm. Người bệnh thường bị sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau bụng. Chế độ ăn ít chất xơ, béo phì làm tăng nguy cơ viêm túi thừa. Người bệnh nên ăn lỏng, bổ sung chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và rau.
Hội chứng ruột kích thích
Triệu chứng thường gặp gồm táo bón, tiêu chảy, đầy hơi... Bệnh còn dẫn đến đau dạ dày kéo dài. Ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, men vi sinh (sữa chua, thực phẩm lên men khác), tránh thực phẩm kích hoạt triệu chứng (sữa, rượu, caffein, chất làm ngọt nhân tạo, thực phẩm tạo ra khí) giúp kiểm soát bệnh. Giảm căng thẳng cũng giúp cải thiện bệnh.
Bệnh trĩ
Đi tiêu ra máu thường do bệnh trĩ. Bệnh làm cho những tĩnh mạch ở hậu môn hoặc trực tràng dưới sưng, đau, ngứa và chảy máu. Nguyên nhân là do táo bón mạn tính, tiêu chảy, chế độ ăn thiếu chất xơ. Ăn nhiều trái cây, rau, uống nhiều nước và tập thể dục, bôi kem, uống thuốc không kê đơn, phẫu thuật giúp cải thiện bệnh.
Nứt hậu môn
Vết nứt hậu môn là những vết rách nhỏ hình bầu dục trong niêm mạc hậu môn. Triệu chứng tương tự như bệnh trĩ như chảy máu, đau sau khi đi tiêu. Người bệnh nên nhiều chất xơ. Thuốc làm giãn cơ vòng hậu môn, thuốc gây tê tại chỗ và tắm ngồi để giảm đau. Các vết nứt mạn tính có thể cần phẫu thuật cơ vòng hậu môn.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả có thắc mắc có thể đặt câu hỏi tại đây để được bác sĩ giải đáp.