Theo Tổ chức Bệnh Crohn và Viêm đại tràng Mỹ, thực phẩm chứa sữa, lượng chất béo hoặc chất xơ cao không tốt cho người bệnh Crohn (viêm ruột). Để tránh triệu chứng trầm trọng thêm, người bệnh nên hạn chế 8 thực phẩm dưới đây.
Thịt đỏ
Một số người bị viêm ruột dị ứng với một số hợp chất trong thịt heo, thịt bò. Thịt đỏ cũng khó tiêu hóa và phân hủy hơn, dễ gây viêm. Do đó, người bệnh nên chọn các loại protein khác như cá, thịt gà thay thế.
Nếu muốn ăn thịt đỏ, người bệnh nên chọn thịt nạc và ít chất béo bão hòa giúp bổ sung protein, phòng tránh viêm nhiễm do chất béo bão hòa gây ra.
Thức ăn chiên rán
Thực phẩm chiên và bữa ăn nhiều chất béo bão hòa (kem, bơ, dầu) có thể làm tăng triệu chứng viêm ruột, gây đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy. Lý do là chất béo trong những thực phẩm này không được hấp thụ hoàn toàn ở ruột non.
Người bệnh nên chọn loại lành mạnh hơn như chất béo không bão hòa đơn có trong dầu ô liu, dầu hạt cải, bơ đậu phộng, bơ hạt hạnh nhân. Chất béo không bão hòa đa từ cá béo (cá hồi, cá thu), sữa đậu nành và đậu phụ cũng tốt cho sức khỏe. Axit béo omega-3 trong cá hồi, quả óc chó và hạt lanh xay còn giúp giảm viêm.
Đồ ăn cay
Theo Tổ chức bệnh Crohn và Viêm đại tràng Mỹ, một số người viêm ruột có thể bị kích ứng khi dùng thức ăn cay. Trong giai đoạn triệu chứng bùng phát, người bệnh nên tránh hoặc tiêu thụ với lượng nhỏ, chỉ cay nhẹ.
Thực phẩm giàu chất xơ
Ăn thực phẩm giàu chất xơ khiến người bị viêm ruột khó tiêu hóa. Thức ăn giàu chất xơ không hòa tan có thể làm nặng thêm triệu chứng đầy hơi và đau bụng, nhất là thời gian bùng phát bệnh hoặc người bệnh bị hẹp ruột.
Nên hạn chế ăn vỏ và hạt trái cây; sản phẩm thô, nhất là các loại rau họ cải và ngũ cốc nguyên hạt. Thay vào đó, chọn trái cây ít chất xơ như chuối, dưa (bỏ hạt) sẽ tốt hơn. Rau củ nấu chín không ăn sống, nên xay nhuyễn hoặc chế biến thành sinh tố để giảm kích ứng.
Thực phẩm nhiều đường
Cắt giảm tiêu thụ đường tinh luyện giúp cải thiện các triệu chứng bệnh viêm ruột. Vì thức ăn giàu đường, chế biến sẵn thường dẫn đến viêm.
Các lựa chọn thay thế là sirô trái cây nguyên chất, trái cây xay nhuyễn, mật ong. Không nên tiêu thụ nhiều hơn liều lượng khuyến nghị hàng ngày (6 thìa cà phê với nữ, 9 thìa cà phê với nam) dù đó là nguồn đường lành mạnh.
Sữa
Theo đánh giá năm 2023 của Trường Đại học Ioannina, Hy Lạp, dựa trên 113 nghiên cứu, tình trạng viêm trong ruột có thể làm hỏng một số tế bào sản xuất lactase - loại enzyme giúp tiêu hóa đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Điều này làm cho người bệnh không dung nạp sữa, có thể dẫn đến thiếu canxi, vitamin D.
Các nguồn canxi và vitamin D thay thế như sữa đậu nành, hạnh nhân, sữa gạo, đậu hũ, cá mòi, các loại rau như củ cải, cải xoăn, cải rổ.
Caffeine và rượu
Uống caffeine (trà xanh, trà đen, cà phê, nước ngọt), rượu cũng làm triệu chứng viêm ruột thêm nặng. Ví dụ, rượu vang chứa sulfite - chất bảo quản thực phẩm khiến người bệnh nhạy cảm hoặc dị ứng.
Người bị viêm ruột nên tiêu thụ rượu ở mức tối thiểu, một ly khoảng 175 ml với nữ giới và 350 ml với nam giới mỗi ngày. Cắt giảm caffeine, thay thế bằng trà thảo mộc hoặc nước có hương vị pha loãng, không đường.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |