Theo Đại học Y khoa Pittsburgh (Mỹ), thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm loét đại tràng, nhất là trong thời gian bùng phát. Lựa chọn thực phẩm tốt giúp người bệnh giảm các triệu chứng và tránh làm tình trạng bệnh thêm tồi tệ. Dưới đây là 8 thực phẩm lành mạnh mà người bị viêm loét đại tràng có thể đưa vào thực đơn hàng ngày.
Cá hồi
Theo Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, axit béo omega-3 trong cá hồi có thể làm giảm tình trạng viêm do bệnh viêm loét đại tràng. Cá hồi còn rất giàu protein (chất đạm) mà cơ thể cần để tự chữa lành vết thương. Cá ngừ, quả óc chó, hạt lanh cũng là nguồn cung cấp omega-3 dồi dào, có tác dụng chống viêm.
Thịt nạc
Người bệnh cần tăng cường lượng protein lành mạnh trong hoặc sau thời gian bị viêm. Chất béo bão hòa có thể gây rắc rối cho đường tiêu hóa, do đó, hãy chọn các nguồn protein lành mạnh hơn như thịt nạc (thịt gia cầm không da, thăn lợn, thăn bò...) ít chất béo. Các thực phẩm này tránh làm viêm loét đại tràng trở nặng.
Trứng
Trứng có nguồn protein dồi dào, dễ tiêu hóa, có thể đảm bảo dinh dưỡng khi những triệu chứng viêm loét đại tràng khiến người bệnh khó dung nạp thức ăn. Bạn có thể xào trứng với rau, làm món trứng chiên hoặc luộc chín... để có một bữa ăn nhẹ nhanh chóng, giàu protein. Trứng cũng rất giàu vitamin B giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và selen chống oxy hóa.
Dầu ô liu
Dầu ô liu là chất béo không bão hòa đơn giúp giảm viêm, làm dịu các triệu chứng viêm loét đại tràng. Các loại hạt và dầu từ hạt cũng là nguồn chất béo không bão hòa đơn tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi các triệu chứng bệnh bùng phát, bạn cần hạn chế ăn các loại hạt vì có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề tiêu hóa.
Bột yến mạch
Bột yến mạch ăn liền dễ tiêu hóa với người bị viêm loét đại tràng hơn yến mạch nguyên hạt hoặc cắt lát. Người bệnh có thể nấu chín bột yến mạch với ít đường hoặc trộn với trái cây xay nhuyễn, bột quế... để có bữa ăn nhẹ nhanh chóng và dinh dưỡng, không làm nặng thêm các triệu chứng.
Các loại bí
Bí đỏ chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa beta-carotene và vitamin C. Chất xơ giúp duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh và chất chống oxy hóa sửa chữa những tổn thương do viêm nhiễm gây ra. Thêm bí đao vào chế độ ăn uống để đảm bảo cơ thể nhận được các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bí đao mềm và dễ tiêu hóa làm dịu các triệu chứng viêm loét đại tràng, tăng khả năng tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn cần tránh ăn bí sống trong thời gian bùng phát bệnh.
Quả bơ
Một số người bị viêm loét đại tràng khó ăn đủ calo. Bơ giàu chất dinh dưỡng và calo, chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn có lợi cho tim, cung cấp năng lượng lành mạnh cho cơ thể. Bạn có thể nghiền bơ nhuyễn phết lên bánh mì để thay thế cho bơ sữa hay mayonnaise vì các thực phẩm này khó tiêu hóa. Cắt nhỏ quả bơ rồi thêm vào món trứng chiên hoặc salad giúp tăng thêm dinh dưỡng.
Sữa chua
Sữa chua và các thực phẩm lên men khác (dưa muối, trái cây ngâm chua...) có chứa men vi sinh (probiotic) gồm các vi khuẩn lành mạnh tốt cho hệ vi sinh đường ruột. Các lợi khuẩn sống trong đường tiêu hóa giúp tiêu hóa thức ăn, tăng cường hệ thống miễn dịch và hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn có hại, có lợi trong kiểm soát viêm loét đại tràng.
Sữa chua cũng giàu canxi, khoáng chất quan trọng trong việc hình thành xương khỏe mạnh. Người bị viêm loét đại tràng có nguy cơ loãng xương cao hơn người không mắc bệnh này, nên bổ sung sữa chua để giảm nguy cơ loãng xương. Tuy nhiên, bạn nên chọn sữa chua nguyên chất, không đường sẽ tốt hơn khi triệu chứng bùng phát.
Mai Cat
(Theo Everyday Health)